Xã hội

Thiếu phụ hóa điên sau 3 đời chồng 'ngoại'

Sau bao năm tha hương, giờ đây khi tìm về được cố hương, bà Bốn chỉ có hai bàn tay trắng, không chồng, không con, không của nả…

h1 XGPV JPG ashx
Bà Bốn cho hay sai lầm lớn nhất của đời mình là bỏ quê đi lấy chồng “ngoại”

Sau sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân, bà Bốn vô cùng chán nản. Đang lúc đó, bà được một người mời chào sang Trung Quốc làm ăn. Không chút nghi ngờ, người phụ nữ ấy vội khăn gói lên đường đi tìm “miền đất hứa”. Tại xứ người, chỉ trong một tuần, bà bị bán cho hai người đàn ông.

Với người chồng thứ hai, dù may mắn không bị đánh đập, nhưng bà đành ấm ức ra đi vì người này sau 8 năm chung sống bỗng quay sang lấy em dâu. Sau đó, bà tiếp tục chấp nhận lấy một người đàn ông đã ngoài 60 tuổi. Nhưng rồi vì không sinh được con nên người phụ nữ ấy tiếp tục bị hắt hủi. Giờ đây, khi tìm về được cố hương, bà Bốn chỉ có hai bàn tay trắng, không chồng, không con, không của nả…

Quyết đi tìm “miền đất hứa” sau đỡ vỡ hôn nhân

Căn nhà nhỏ, ẩm thấp nằm khuất sau lùm cây ở xóm 3, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An là nơi sinh sống của hai chị em đặc biệt. Đó là bà Phan Thị Ba (SN 1951) và người em gái Phan Thị Bốn (SN 1958).

Bà Ba bị mù từ nhỏ nên suốt cuộc đời chủ yếu quanh quẩn trong nhà, tuy vậy mọi biến cố trong gia đình người phụ nữ bất hạnh ấy đều nhớ rõ. Riêng bà Bốn, dù khỏe mạnh hơn nhưng sau thời gian dài trải qua sự nghiệt ngã của số phận với 4 đời chồng, bị bán đi, bán lại ở Trung Quốc nên giờ đây tinh thần bất bình thường, nhiều lúc lên cơn điên.

“Lúc nhỏ, nó hoàn toàn bình thường, nhưng sau lần từ Trung Quốc trở về, tính khí nó bỗng thay đổi bất thường, có khi đứng chửi đổng hàng xóm mấy tiếng đồng hồ. Nó sinh bệnh như vậy cũng chỉ cuộc sống quá khổ cực, tủi nhục. Giờ mẹ mất rồi, hai chị em tôi chỉ biết nương tựa vào nhau”, bà Ba nói về cuộc đời bất hạnh của em gái.

Nghe chị nói chuyện, bà Bốn ngồi dựa lưng nơi góc tường rơm rớm nước mắt. Kể về cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của mình, bà Bốn cho hay, 18 tuổi thì lấy chồng về xã Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương). Tuy nhiên, cuộc hôn nhân ấy không hề hạnh phúc.

h2 sphe jpg ashx
Chị em bà Ba, bà Bốn nương tựa vào nhau trong khó nghèo

Theo lời kể của người phụ nữ này, không những bị đánh đập thường xuyên, bà còn bị chồng hắt hủi vì không sinh được con trai. Trong hai đứa con gái, một không may bị mù bẩm sinh càng khiến cuộc sống gia đình thêm khó khăn hơn. Năm 1986, sau khi hai đứa con lần lượt qua đời vì bạo bệnh, cuộc hôn nhân của bà với người đàn ông ấy cũng chấm dứt.

Rời khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng, bà Bốn về nhà bám bíu mẹ đẻ và người chị mù lòa. Cụ bà thân sinh Hồ Thị Triêm do sức khỏe yếu, chồng mất từ lâu, lại phải nuôi đứa con bị mù, đau ốm triền miên nên kinh tế vô cùng khó khăn. Cộng thêm chuyện đổ vỡ của đứa con gái út càng khiến bà chán nản, đổ bệnh. Riêng bà Bốn trong khoảng thời gian này, vì chán nản nên thường đi làm thuê khắp nơi.



4 năm sau, người phụ nữ từng qua một “lần đò” bất ngờ được một người quen biết ở xã khác rủ sang Trung Quốc làm ăn. Nghe lời đường mật, bà Bốn trốn mẹ và chị gái, quyết định đi “đổi đời”.

“Trước khi đi, họ bảo sang bên đó làm thuê, lương cao, nhưng khi đặt chân lên nước Trung Quốc, tôi mới biết mình bị lừa. Lúc đó, dù không đồng ý hành vi mua bán giữa kẻ dẫn tôi sang và người đàn ông bên đó, nhưng vì không còn đường lùi, tôi đành nhắm mắt đưa chân. Cũng từ đó, hàng loạt tủi nhục bắt đầu ập đến trong cuộc đời tôi”, bà Bốn rơi lệ khi kể lại quá khứ tủi nhục.

Lại bị hắt hủi, bỏ rơi

Bà Bốn cho biết, người đàn ông đầu tiên mua về làm vợ là ông bác sỹ già với giá 2300 nhân dân tệ. Tuy nhiên, sau khi về chung sống được ít ngày, ông này quyết định không mua bà nữa, trả lại cho người môi giới. Không lâu sau, bà Bốn được một người đàn ông sinh sống ở vùng núi ở tỉnh Chiết Giang. Người này có tên phiên âm theo tiếng việt là Hùng Cóng, anh cả trong gia đình. Sau người này còn có vợ chồng em trai, nhưng cùng chung sống trong một ngôi nhà.

Người phụ nữ này kể chuyện, chồng mình làm nghề xây dựng, cuộc sống không giàu có nhưng cũng chẳng đến nỗi túng thiếu. “Hàng ngày, anh ta đi làm, còn tôi ở nhà nội trợ. Dù may mắn không bị chồng đánh đập, nhưng vì bất đồng ngôn ngữ nên suốt thời gian dài giữa hai vợ chồng không có tình cảm gì”, bà Bốn nhớ lại.

Mãi 4 năm sau, bà Bốn mới sinh cho Hùng Cóng một đứa con gái. Nhưng vì bệnh tật nên chưa đầy một tháng sau, đứa trẻ ấy đã ra đi. “Anh ta luôn ước ao có đứa con trai, nhưng do tôi không sinh được mụn con nên về sau, anh ta chán nản, không thương tôi như ban đầu nữa”, bà Bốn kể chuyện. Dù không được chồng và gia đình chồng coi trọng như lúc trước, nhưng vì biết thân phận mình, bà Bốn luôn chịu khó làm việc, không dám có tư tưởng bỏ trốn như nhiều cô gái cùng cảnh ngộ.

h3 gagg jpg ashx
Vị trưởng xóm xác nhận cuộc sống cơ cực, bị bán sang xứ người của bà Bốn

Cho đến cuối năm 1998, biến cố lại tiếp tục ập đến với người phụ nữ bất hạnh này. Năm đó, người em trai chồng đột nhiên mất do tai nạn giao thông. Em trai chết chưa được bao lâu, Hùng Cóng trở mặt lấy em dâu làm vợ mình. Bà Bốn quyết định khăn gói rời khỏi ngôi nhà đó. “Lúc bỏ đi, may mà trên người tôi có một số tiền thu được trong quá trình sinh sống trong gia đình ấy, chứ nếu không chết đói khi nào không hay”, bà Bốn chua chát nói.

Phiêu bạt một thời gian, bà tiếp tục được một người đàn ông bán vải, tuổi ngoài 60 mua về làm vợ với giá rẻ mạt. Bà kể, vợ người đàn ông đó đã chết. Ông có 3 người con và đã có cháu. Hàng ngày, bà phụ giúp chồng buôn bán trái cây, chủ yếu là quả vải.

Bà làm việc quần quật từ ngày này qua ngày khác nhưng không được chồng cho giữ một cắc. 4 năm sau, cụ ông đó bỗng tỏ thái độ chán nản, không mặn mà với vợ nữa. Hiểu rằng mình không còn giá trị sử dụng, bà Bốn lại khăn gói ra đi.

Do từng có thời gian sinh sống tại Trung Quốc nên bà bập bẹ được đôi ba chữ. Nhờ vậy, trong khoảng thời gian này bà tiếp tục mưu sinh trên đất khách bằng nhiều nghề khác nhau. Cuộc sống tủi nhục, khổ cực khiến người đàn bà khốn khổ ấy bắt đầu nung nấu hy vọng trở về cố hương. Mang theo quyết tâm đó, bà chăm chỉ làm việc, tích góp tiền bạc để về quê.

Cuối năm 2003, bà Bốn đặt chân về biên giới Việt Nam. “Lang thang ít ngày ở các tỉnh phía bắc, tôi quyết định ở lại tìm việc, nuôi sống bản thân chứ không về nhà. Tại đây, tôi đã xin vào rửa bát tại các quán ăn, quán nhậu ở Hà Nội, Hải Phòng…”, bà Bốn nhớ lại.

Tài sản không có, chỉ đủ sống qua ngày nên bà cũng quên luôn việc về quê nhà ở Nghệ An. Sống phiêu bạt một thời gian khá dài, bà Bốn lại tiếp tục đánh cược số phận bằng việc qua lại Trung Quốc một lần nữa. “Do trước đó, tôi có quen biết một vài chủ vườn trồng vải nên quyết định về đó xin làm bảo vệ. Cuộc sống của tôi cứ trôi qua như thế, không chồng con, không người thân ở xứ người”, lời bà Bốn.

Phát bệnh thần kinh

Lại nói về mẹ con cụ Triêm, sau ngày đứa con út đột nhiên biến mất khỏi nhà, bà không hề biết con gái mình ở đâu. Dò hỏi tin tức, người mẹ ấy có nghe chuyện chị Bốn có thể đi sang Trung Quốc làm ăn. Tuy nhiên, vì điều kiện gia đình không có, lại neo người nên hai mẹ con chỉ biết phó mặc cho số phận. “Từ khi con Bốn đi khỏi nhà, mẹ tôi buồn nhiều lắm. Nhiều hôm bà trăn trở không ngủ được. Tôi dù rất thương mẹ nhưng không biết giúp thế nào vì bản thân bị mù”, bà Ba tâm sự.

Thời gian trôi đi, không những người thân trong nhà mà bà con chòm xóm đều ngỡ rằng, bà Bốn sẽ mãi mãi biệt tích. Ấy vậy mà, vào một đêm mùa hè năm 2008, mẹ con bà Ba bất ngờ thấy bóng dáng em út mất tích nhiều năm bỗng trở về. Ba mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc, vừa mừng, vừa tủi. Thông tin đó cũng nhanh chóng đến tai bà con chòm xóm. Đêm ấy, căn nhà nhỏ vốn hiu quạnh bỗng rộn vang tiếng cười.

Nói rõ hơn về hành trình về nhà của mình, bà Bốn kể lại, sau một thời gian làm thuê, thấy sức khỏe bắt đầu xuống dốc nên quyết định về nhà. Sau nhiều chặng xe, bà mới đặt chân lên mảnh đất Thanh Văn quê mình. “Vì làng quê quá thay đổi nên tôi không còn xác định đúng chỗ ở của gia đình lúc xưa. May mắn, lúc đó có một người trong làng đã nhận ra tôi, dẫn về nhà”, bà Bốn nghẹn ngào.

h4 ppdw jpg ashx
Căn nhà nhỏ nơi bà Bốn sinh sống

Trở về địa phương với hai bàn tay trắng, không chồng, không con, bà Bốn bắt đầu lại từ đầu. Bà kể, để kiếm được đồng tiền, bản thân phải làm nhiều nghề như bóc cây keo, bắt con cua, con ốc ngoài đồng. Cùng thời điểm trên, vì mẹ đã già yếu, không đi lại được, trong khi đó chị gái bị mù hoàn toàn nên mọi công việc đều do bà Bốn đảm nhận.

Cuộc sống yên bình trong khó nghèo kéo dài chưa được bao lâu thì bà Bốn phát bệnh thần kinh, động trời là chửi bới lung tung, có khi đập phá đồ đạc. Anh em họ hàng vội đưa đi khám thì biết rằng bà đã mắc bệnh thần kinh. Sau thời gian điều trị, bà được về nhà, nhưng hàng ngày phải uống thuốc theo đơn của bác sỹ.

Cách đây hơn 1 tháng, người mẹ già cũng đã rời bỏ hai đứa con bất hạnh về thế giới bên kia. Giờ đây trong căn nhà nhỏ chỉ còn lại người chị ốm yếu, mù lòa và người em thi thoảng lại phát bệnh thần kinh.
Nói về hoàn cảnh gia đình này, ông Ngô Phúc Chương, trưởng xóm 3, cũng là hàng xóm sát nhà với chị em bà Ba cho biết: “Bình thường thì không sao, chứ động trời ấy lại chị Bốn lại chửi bởi hàng xóm không biết mỏi miệng. Người dân vì biết rõ hoàn cảnh nên không mấy ai để ý. Tội nghiệp gia đình đó, mẹ già vừa mới mất, chị thì bị mù, người em gái sau thời gian phiêu bạt, qua tay 3 đời chồng, giờ trở về với bàn tay trắng, phát bệnh thần kinh”.

Tác giả bài viết: Long Trần

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP