Kinh tế

Thị trường hơn 600 triệu dân bị bỏ quên

Trong khi hàng hóa ASEAN tràn vào Việt Nam thì các doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn còn quá thờ ơ với thị trường này

Gần 3 năm sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, hàng hóa của các nước trong khu vực, đáng chú ý là từ Thái Lan, đã tràn vào Việt Nam khá nhiều. Hiện tại, nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN đã cao hơn 2,6 lần so với xuất khẩu của Việt Nam sang các nước trong khối.

Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đang được người tiêu dùng các nước ASEAN ưa chuộng nhưng lại được xuất khẩu thông qua doanh nghiệp nước ngoài. Trong ảnh: Công ty MM Mega Market Việt Nam dự kiến xuất khẩu 1.000 tấn khoai lang sang Thái Lan

Thông tin được đưa ra tại hội thảo "Thị trường ASEAN: Lối đi nào cho doanh nghiệp (DN) Việt" do Sở Công Thương TP HCM, Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng CLB Doanh nhân 2030 (thuộc CLB Saigon Times) tổ chức sáng 10-10 tại TP HCM.

Số liệu từ Sở Công Thương TP HCM cho thấy từ năm 2015 đến 2017, lượng hàng hóa từ TP HCM xuất khẩu sang ASEAN tăng đều hằng năm. Tuy nhiên, không có sự tăng trưởng đột biến sau khi AEC được thành lập. Trong khi đó, con số nhập khẩu từ các nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan vẫn rất lớn, từ 7,2 tỉ USD năm 2016 đã tăng lên 8,15 tỉ USD năm 2017. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng nhập siêu từ ASEAN là điều đáng lo ngại.

Theo ông Kiên, chính việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại nội khối, hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước trong AEC đang dần xóa bỏ (Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0%-5% theo ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), phân tích nguyên nhân dẫn đến việc DN Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường ASEAN là do hình thức sản phẩm chưa đa dạng, giá cả chưa cạnh tranh; hệ thống phân phối hàng hóa còn kém; chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách xúc tiến, ngoại giao... DN cũng chưa trang bị đủ điều kiện để xuất khẩu vào các nước Hồi giáo; chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý cũng như văn hóa của các nước trong khu vực...

Một đại biểu đến từ Sóc Trăng cho biết anh đến hội thảo cùng 4 DN khác đang khởi nghiệp kinh doanh mặt hàng cá khô, muốn đưa con khô cá dứa đặc sản Việt Nam xuất ngoại nhưng rất lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Đại diện một DN khác chuyên cung cấp túi vải không dệt thân thiện với môi trường cũng muốn tham gia thị trường ASEAN nhưng chưa có thông tin về cơ hội và lợi thế của DN bao bì Việt Nam so với DN ASEAN và Trung Quốc như thế nào. "Làm sao để nhận diện thị trường, khách hàng mục tiêu để tăng hiệu quả giao thương và giảm rủi ro?" - đại biểu này băn khoăn.

Giải đáp những thắc mắc này, ông Phạm Thiết Hòa đề nghị DN trước tiên cần xác định mình muốn bán hàng vào thị trường nào, tiến hành khảo sát, nghiên cứu thị trường đó rồi quay về ITPC để được hướng dẫn, kết nối với các nhà mua hàng. "Trước mắt DN có thể liên hệ với trung tâm để hướng dẫn tiêu chuẩn vào các thị trường, bao bì sản phẩm thế nào cho phù hợp. Bởi DN Việt còn hạn chế trong thiết kế bao bì. Ví dụ hàng hóa Việt bán sang Campuchia chỉ ghi tiếng Việt và tiếng Anh nên người Campuchia không đọc được trong khi cũng loại hàng đó, DN Thái Lan ghi nhãn bằng tiếng Anh và tiếng Campuchia nên tiêu thụ tốt hơn" - ông Hòa chia sẻ.

Có kinh nghiệm xuất khẩu mặt hàng gỗ, ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ An Cường - lưu ý để chọn thị trường mục tiêu, DN phải xác định rõ làm gì, như thế nào, bán cho ai và bán thế nào trước khi bắt tay làm. "Tôi từng mở văn phòng đại diện ở Myanmar nhưng được vài tháng phải đóng cửa vì chi phí quá cao. Hiện nay, thay vì duy trì văn phòng đại diện, tôi mở thêm đại lý, chấp nhận chiết khấu % cho họ và hiệu quả hơn hẳn. Năm nay, An Cường xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt 3 triệu USD" - ông Nghĩa nói thêm.

Theo ông Phạm Thành Kiên, để tận dụng các cơ hội và phát huy có hiệu quả các lợi thế trong quá trình tham gia AEC, DN cần nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, không ngừng tự đổi mới, xây dựng chiến lược kinh doanh để thâm nhập vào các thị trường này. Trong đó, chiến lược kinh doanh cần theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước ASEAN, liên kết với nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực…

Tác giả: Thanh Nhân

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP