Kinh tế

Thị trường hàng hóa sau tết ở chợ miền núi Kỳ Sơn

Như đã thành thông lệ, trong dịp Tết Nguyên đán, giá các loại thực phẩm “đến hẹn” lại “leo thang” khiến không ít người tiêu dùng phải lo lắng. Tuy nhiên, năm nay những ngày sau tết, thị trường thực phẩm đã hạ nhiệt và đang dần trở lại mức giá bình thường.

Một góc Chợ thị trấn Mường Xén những ngày sau Tết Đinh Dậu 2017

Mặc dù là chợ miền núi, họp chợ muộn hơn so với các chợ miền xuôi. Tuy nhiên sau tết, tín hiệu vui cho người tiêu dùng là giá cả của hầu hết các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm khá ổn định. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, cá và các loại rau, củ…

Từ mùng 6 Tết, sau thời gian nghỉ, các hộ kinh doanh ở chợ đã bắt đầu rục rịch bán hàng trở lại. Nhu cầu tiêu dùng của người dân trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng. So với mọi năm thì năm nay thị trường thực phẩm có sự biến động nhỏ trong thời điểm trước, trong và sau Tết. Những ngày Tết, giá rau xanh tăng khá cao, gấp khoảng 2-3 lần so với ngày thường dù lượng rau xanh tại chợ khá nhiều. Cụ thể như: Súp lơ có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/cây, su hào từ 7.000 đến 10.000 đồng/củ, bắp cải khoảng 10.000 – 15.000 đồng/bắp, đậu ve 25.000đồng/kg, dưa chuột 25.000 đồng/kg, cà chua nhỏ 25.000 đồng/kg. Các loại rau thân mềm dùng để ăn lẩu như xà lách, rau cần, rau cải cúc cũng đồng loạt tăng từ 10-20%....

Giá thịt bò hiện đang ở mức giá từ 220.000-240.000 đồng/kg, thịt lợn mông đùi từ 100.000-120.000 đồng/kg, thịt lợn đen giá 150.000- 160.000 đồng/kg, thịt gà có giá từ 60.000- 120.000 đồng/kg, gà đen địa phương giá 200.000 đến 220.000 đồng/kg… Riêng mặt hàng rau cải hoa, cải mông vẫn giá như ngày thường, tuy nhiên sức tiêu thụ không đáng kể.

Chị Lầu Y Cò trú tại khối 3 thị trấn Mường Xén bày tỏ: Mình thường nhập rau ở Huồi Tụ xuống, ăn tết xong, đi chợ bán hàng từ hôm Mồng 8 tết, bán rau cải, cải hoa, đậu ve. Sau tết chợ ít người, học sinh cấp 3 chưa ra học nên bán cũng vừa phải, giá cả cũng bán như ngày thường, tức là nhập 4 nghìn, bán ra 5 nghìn. So với trong tết thì sức tiêu thụ kém hơn.

Còn ông Lương Tấn Đồng trú tại bản Na Lượng 1 xã Hữu Kiệm cho biết: Tôi đi bán hàng được 3 hôm nay rồi, chủ yếu bán rau, củ quả của nhà trồng được trong trang trại, loại chi cũng có. Trung bình ngày bán cũng được mấy chục bó cải, chuối…thu nhập khoảng 2 trăm nghìn trở lên. Rau nhà trồng chủ yếu là dùng phân xanh, phân chuồng, không có phân hóa học nên người mua nhiều.

Theo nhận định của nhiều tiểu thương, sau những ngày sử dụng thực phẩm thịt, nhiều dầu mỡ, người tiêu dùng thích chọn lựa hải sản để thay đổi thực đơn. Đó là lý do khiến mặt hàng này tăng giá. Tuy nhiên, tại chợ hầu hết chỉ bán các loại cá nước ngọt như cá trắm, cá mè, cá chép, cá còm và một số loại cá biển ướp lạnh....Bên cạnh mặt hàng thực phẩm thì các mặt hàng tiêu dùng khác như bánh kẹo, đồ uống, may mặc, điện tử, điện lạnh, các loại đồ gỗ, mỹ phẩm… vẫn giữ ở mức giá bình thường dù sức tiêu thụ giảm hơn so với ngày thường.

Bà Lầu Y Pà bản Huồi giảng 3 xã Tây Sơn cho biết thêm: Tôi ở Huồi giảng 3 xã Tây Sơn, sau tết, tôi cùng chồng xuống chợ Mường Xén mua thêm đồ ăn, đồ dùng phục vụ gia đình mình. Cụ thể là mua thêm nồi, bát, đĩa và thịt. Nói chúng sau tết, giá cả hiện tại là bình thường, không tăng, không giảm.

Nhìn chung, thị trường hàng hóa và thực phẩm sau Tết khá phong phú, sức mua chậm, giá cả không có đột biến và hầu hết đã trở lại như mức giá như ngày thường, ngoại trừ một số mặt hàng nguồn cung ít, giá vẫn còn cao như thịt bò, hải sản… Qua khảo sát nhu cầu mua sắm sau Tết, hầu hết người dân đều tỏ ra hài lòng với giá cả hiện tại.

Tác giả bài viết: Hồng Thoa/Đài TT-TH Kỳ Sơn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP