Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017 và phương án tuyển sinh 2017, thầy Đỗ Tấn Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng-Sơn Tịnh-Quảng Ngãi đã gửi cho VTC News những phân tích về những điểm mới của kỳ thi này.
Dự thảo về công tác thi và tuyển sinh đại học năm 2017 của Bộ GD-ĐT mới được công bố ngày 8/9 vừa qua, có một số điểm mới về môn thi, hình thức thi, phương thức xét tuyển đã nhận rất nhiều ý kiến tâm tư, phản hồi của thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh.
Không ít ý kiến tỏ ra hoang mang, mất niềm tin vì sự thay đổi xoành xoạch, triền miên của Bộ GD-ĐT. Những điểm mới như môn Toán thi trắc nghiệm khách quan, làm bài tổng hợp các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội khiến thầy và trò bị động, lúng túng, trở tay không kịp khi thời gian tới ngày thi chỉ có 9 tháng.
Có người còn băn khoăn, lo ngại khi các môn thi trắc nghiệm chiếm 4/5 môn ( trừ môn Ngữ văn tự luận) dẫn đến tình trạng làm thui chột, mất dần tư duy lập luận, diễn đạt, viết lách của học sinh.
Trước cái mới liên quan đến hàng triệu học sinh làm sao tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng kể cả hoài nghi của nhiều người.
Bộ GD-ĐT cần mở thêm diễn đàn để lắng nghe và trao đổi, giải thích cho những người còn khúc mắc có hiểu biết đầy đủ hơn.
Là một nhà giáo, cán bộ quản lý, đã có 20 năm trong nghề, tôi lại hoàn toàn đồng tình và ủng hộ với những điều chỉnh, cải tiến lần này của Bộ GD-ĐT.
Năm 2017, chỉ còn một 1 cụm thi thì gọn nhẹ, thuận lợi, thống nhất, bình đẳng về nhiều mặt- một yếu tố quan trọng để kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế, chấm dứt cảnh nghi ngờ lẫn nhau:bên tháo khoán, bên nghiêm túc.
Về đơn vị chủ trì, theo tôi, Bộ GD-ĐT nên giao cho các trường ĐH vẫn tốt hơn các Sở GD- ĐT chủ trì, vì địa phương thường có tư tưởng du di, địa phương, mắc “ bệnh” thành tích…nặng.
Mỗi thí sinh phòng thi có một mã đề thi riêng (được rút từ ngân hàng đề thi) là cách làm hay để giảm thiểu tình trạng học sinh ngồi gần nhau coi bài của nhau.
Có hai bài thi tổng hợp các môn Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên, đây được xem là điểm mới nhất về cách thức ra đề và các môn thi.
Nó có ưu điểm lớn là hạn chế được tình trạng học lệch, học tủ, chỉ chú trọng học các môn thuộc khối thi đại học, còn bỏ rơi các môn học khác hoặc cho là môn “ phụ” như Sử, Địa, Giáo dục công dân, tin học; góp phần thúc đẩy dạy-học toàn diện hơn, không “trọng- khinh” môn nào.
Để cho thí sinh tự chọn 1 trong 2 bài tổng hợp đó, tuy đỡ vất vả, áp lực cho học sinh nhưng vẫn chưa triệt để được tình trạng học lệch đang biểu hiện khá phổ biến ở nhiều học sinh. Ở điểm này, tôi vẫn còn băn khoăn, Bộ nên cân nhắc thêm.
Theo tôi cần hướng tới: học gì- thi nấy. Việc thay đổi hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm đối với môn toán cũng như các môn sử, địa, GDCD là phù hợp với xu thế và tình hình thi cử hiện nay.
Chúng ta đừng quá lo xa về chuyện “ lợi bất cập hại”, thui chột tư duy sáng tạo, lập luận, diễn đạt của học sinh về các môn học ấy.
Môn Toán gần giống như môn Lý, Hóa, Sinh, lâu nay ta thi trắc nghiệm mãi thì có vấn đề gì đâu, chỉ thay đổi hình thức thôi chứ bản chất của nó vẫn thế.
Hơn nữa, về hình thức thi trắc nghiệm các môn ấy không hề xa lạ với học sinh hiện nay, vì thầy cô giáo và học sinh đã từng được tập dượt, rèn luyện qua nhiều hình thức thi cử.
Chốt phương án từ đầu năm, triển khai sớm dạng đề thi minh họa các môn thi mới thì chẳng có gì lo sợ không đủ thời gian để chuẩn, tập dượt.
Kỳ thi THPT quốc gia, với mục đích “2 trong 1”, tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung, cải tiến theo các biện pháp cụ thể nêu trên, ngành giáo dục, thầy cô giáo và học sinh hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào thành công hơn nữa của công tác thi năm 2017.
Tác giả bài viết: Đỗ Tấn Ngọc, Phó Hiệu trưởng- Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng- Sơn Tịnh-Quảng Ngãi
Nguồn tin: