Kiểm tra thông tin thí sinh trước giờ thi. Ảnh: Như Ý.
Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia tại TPHCM năm 2017 (tức giai đoạn 1) được diễn ra trong ngày 2 và 3/6/2017 với thi 3 môn gồm ngữ văn :120 phút, toán: 120 phút và ngoại ngữ: 90 phút (đối với hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi môn thay thế). Giai đoạn 2 của kỳ thi THPT quốc gia tại TPHCM bắt đầu từ năm 2018 trở về sau.
Cụ thể, thời gian thi, nội dung ra đề thi, đối tượng được miễn thi giống như giai đoạn 1. Ngoài 3 môn như giai đoạn 1, giai đoạn này thí sinh sẽ thi thêm môn tích hợp, thời gian làm bài 120 phút. Tuy nhiên, điểm xét tốt nghiệp sẽ không lấy điểm học bạ (trung bình cả năm lớp 12) như giai đoạn 1 nữa.
Nghe Bộ hay nghe Sở?
Sau khi nghe qua Đề án Thi và xét công nhận tốt nghiệp riêng của TPHCM 2017, ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM cho rằng, cái gì cũng có ưu điểm và nhược điểm, song đề án này nhược điểm nhiều hơn.
Theo ông Độ, trước hết phải thấy ưu điểm của đề án là giúp học sinh khối 12 niên khóa 2016-2017 của TPHCM có một đợt thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng với chỉ 3 môn thi là Văn, Toán và Ngoại ngữ. Như vậy học sinh sẽ được giảm áp lực trong học tập; Thành phố sẽ chủ động được thời gian và kế hoạch giảng dạy, cũng từ đó có đủ các dữ liệu để so sánh, đánh giá chất lượng giáo dục giữa các trường THPT trong địa bàn, chất lượng giáo dục của thành phố so với các địa phương trong cả nước . . .
Tuy nhiên đề án được soạn thảo trước khi có dự thảo thi THPT Quốc Gia 2017 của Bộ nên Sở GD&ĐT TPHCM chưa đề cập đến phương thức trắc nghiệm trong môn Toán, cũng như dự kiến sớm sử dụng bài thi tích hợp cho các môn Lý, Hóa, Sinh hoặc Sử, Địa, GDCD trong khi Bộ chỉ mới bước đầu dùng bài thi tổng hợp.
Cũng theo ông Độ, chắc chắn giáo viên, phụ huynh và học sinh TPHCM sẽ không hưởng ứng Đề án này vì các em sẽ phải thi thêm ít nhất một lần nữa.
“Ít nhất, bởi lẽ ba môn thi trong năm 2017 chỉ để xét tốt nghiệp nên một học sinh muốn có nguyện vọng vào một trường đại học nào sẽ phải làm thêm một bài thi tuyển đầu vào hoặc bài thi đánh giá năng lực của trường đó. Như vậy một em có nguyện vọng vào hai trường đại học sẽ phải trải qua ba kì thi cuối cấp”, ông Độ phân tích.
Học sinh lớp 12 TPHCM đang đứng trước 1 kỳ thi đầy hoang mang.
Ngoài ra, ông Độ đặt câu hỏi, các em sẽ phải học Toán theo kiểu nào đây nếu như TPHCM thi theo phương thức tự luận, còn Bộ theo phương thức trắc nghiệm! Đây là hai phương thức thi hoàn toàn khác biệt, dẫn đến các cách dạy và học khác nhau. “Đành rằng tiên phong thí điểm luôn phải chịu các áp lực, thậm chí các chỉ trích, nhưng Đề án phải luôn bám sát thực tiễn cuộc sống, phải hay hơn, hiệu quả hơn những gì đã tiến hành trước đó”, ông Độ tâm tư.
Trong khi đó, đứng ở góc nhìn truyền thông và phía người dạy, người học, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng: “Việc TPHCM đưa Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT riêng vào thời điểm này là không nên bởi nó càng khiến dư luận hoang mang, học sinh sẽ phải học theo Bộ GD&ĐT hay học theo Sở GD&ĐT TPHCM”. Những ngày qua, dư luận đã xôn xao trước đề án thi THPT Quốc gia 2017 của Bộ GD&ĐT thì nay lại phát sinh Đề án mới của TPHCM.
“Học sinh ở TPHCM rất đông, không lẽ các trường đại học phải có thêm một kỳ thi khác để xét khối A, B, C, D… Trong khi đó, tính tự chủ của các trường đại học hiện nay chưa thể hiện rõ và cũng không nhiều trường có đủ năng lực để tổ chức thi riêng thì nên có một kỳ thi chung, tạo ra sự công bằng, thuận lợi cho người học”- ông Sơn nói. Theo ông Sơn, cần phải có tính nhất quán giữa các cơ quan quản lý giáo dục, để người học không phải hoang mang, đỡ phiền hà bởi trong cùng 1 lúc phải thi những kỳ thi giống nhau.
Bộ GD&ĐT chưa nhận được đề án của TPHCM |
Tác giả bài viết: Nghiêm Huê