Kinh tế

Thật-giả trầm hương - Bài 1: Hoa mắt với trầm hương

Những năm trước, chỉ một số cửa hàng quy mô nhỏ trên địa bàn Đà Nẵng buôn bán trầm hương, nhưng từ khi lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đến làm ăn, du lịch ngày càng nhiều, sản phẩm trầm hương được mua, bán khá rầm rộ. Trên nhiều tuyến đường có cửa hàng chuyên kinh doanh trầm hương, các hãng lữ hành, nhà xe du lịch đưa khách vào ra nườm nượp. Chính sức hút lợi nhuận từ trầm hương tạo “cơn sóng ngầm” cạnh tranh không lành mạnh giữa những người sản xuất-kinh doanh mặt hàng này.

Những vòng trầm có giá từ vài trăm ngàn đồng đến cả chục triệu đồng nhưng không rõ chất lượng như thế nào. Ảnh: DUYÊN ANH

Trầm hương là mặt hàng quý hiếm, có giá trị cao. Tại các cửa hàng kinh doanh sản phẩm thô từ trầm hương trên địa bàn Đà Nẵng, đâu đâu cũng thấy quảng bá ‘Trầm hương xứ Quảng”, “Trầm hương xứ Tiên”... Tuy nhiên, chất lượng, giá cả của mặt hàng này như thế nào là câu chuyện cần làm rõ.

Loại nào cũng có

Theo ghi nhận của chúng tôi, khi du khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đến Đà Nẵng tăng cao cũng là thời điểm các cửa hàng buôn trầm hương “mọc lên như nấm”. Đơn cử như tuyến đường Nguyễn Văn Thoại, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn) có hàng chục cửa hàng trầm hương được đầu tư với quy mô khá lớn để phục vụ khách du lịch.

Tại một cửa hàng trầm hương mang tên trầm hương M.Q trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), mỗi lần du khách ghé cửa hàng đều được hướng dẫn viên, những người bán hàng thuyết trình “ngọt” về các loại sản phẩm được làm bằng trầm hương xứ Quảng.

Loay hoay tìm món quà ý nghĩa từ trầm hương xứ Quảng khi đi du lịch tại Đà Nẵng, anh Nguyễn Hữu Sơn (đến từ thành phố Hải Phòng) cho biết: “Trầm hương là mặt hàng quý hiếm, giá trị cao, tôi không hiểu người ta lấy ở đâu ra nhiều trầm hương đến thế để làm hàng loạt sản phẩm như vậy. Ở đây, mọi thứ đều được làm từ trầm ư? Quả thật là hoa cả mắt”. Không ít du khách khi ghé cửa hàng buôn bán trầm hương trên địa bàn Đà Nẵng cũng bày tỏ ngạc nhiên như anh Sơn.

Quan sát của chúng tôi cho thấy, sản phẩm làm từ trầm hương được bày bán tại các cửa hàng có rất nhiều loại như: nhang trầm, vòng trầm, tinh dầu trầm, trầm miếng, tượng trầm... Tuy nhiên, khách du lịch chủ yếu thích mua vòng trầm vì giá của sản phẩm này hợp với túi tiền của du khách có thu nhập khá giả.

Giá của các sản phẩm nhang trầm dao động từ vài trăm nghìn đồng đến cả chục triệu đồng, tùy theo chất lượng, chủng loại. Các loại vòng trầm giá cũng dao động từ vài triệu đồng đến trăm triệu đồng, tùy loại. Song, chất lượng vô chừng, bởi hiện tại chưa có quy định cụ thể nào về tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm này.

“Các cửa hàng bán trầm ở đây có rất nhiều loại, chủ yếu phục vụ khách tour Trung Quốc là chính, người Việt Nam đi du lịch đến Đà Nẵng thường ghé tham quan và ít người chọn mua sản phẩm trầm cây mà chỉ mua vòng trầm, nhang trầm… Nếu mấy anh mua cái vòng trầm này, chúng tôi chỉ tính giá một nửa so với bán cho khách Trung Quốc”, chủ một cửa hàng trầm hương trên đường Võ Nguyên Giáp mời chào.

Thật, giả... có trời mới biết!

Anh Nguyễn Hữu Sin (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) - người chuyên đưa sản phẩm trầm hương trong nước sang Trung Quốc tiêu thụ cho biết: “Các sản phẩm làm từ trầm hương mà chúng tôi đưa sang Trung Quốc chủ yếu được lấy từ các cơ sở sản xuất ở tỉnh Khánh Hòa, chứ trầm hương xịn của xứ Quảng mắc và hiếm lắm. Quảng cáo thì quảng cáo rứa thôi, vì trầm xứ Quảng được chuộng hơn...”. Khi chúng tôi hỏi về chất lượng cũng như cách phân biệt sản phẩm thật - giả, anh Sin từ chối tiết lộ với lý do đó là nghề làm ăn của anh.

Không “bí mật thông tin” như anh Sin, anh L.H.T, (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) - một tay chuyên đổ sỉ hàng trầm hương sang Trung Quốc đã bỏ nghề - không ngần ngại tiết lộ “chiêu móc tiền” từ nghề buôn bán sản phẩm trầm hương sang xứ người.

Theo anh T., chỉ có “đại gia” mới dám xài các sản phẩm được làm từ trầm hương “xịn” nhưng khách Trung Quốc đại trà rất thích sở hữu trầm hương của Việt Nam, miễn là giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp và có vị thơm của trầm.

Anh T nói thêm: “Trước đây, buôn trầm sang Trung Quốc lời lắm, nhưng do khách nợ nhiều nên bỏ nghề. Làm nghề này mà lấy trầm xịn về bán thì dễ cụt vốn; hơn nữa, người Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến giá cả chứ ít khi để ý đến chất lượng của sản phẩm”.

Anh T. kể, những loại hạt để kết thành vòng được sản xuất hàng loạt bằng máy móc không phải bằng gỗ trầm. Người sản xuất thường sử dụng hóa chất có mùi trầm cho thấm vào các hạt gỗ để giả mạo gỗ trầm. Muốn phân biệt, cách đơn giản nhất là ngửi trực tiếp sản phẩm, nếu ban đầu thấy có mùi cồn, hoặc mùi thơm nồng nặc, đó là sản phẩm tẩm hóa chất, bởi mùi trầm thật thường thoang thoảng, dịu nhẹ, phải có nhiệt độ mới tỏa hương.

Trầm hương là mặt hàng mang nhiều yếu tố tâm linh, rất quý hiếm của Việt Nam. Nhưng với sự thả nổi của thị trường trầm hương hiện nay, vô hình trung ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của loại sản vật này. Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho rằng, Chi cục chỉ quản lý về hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, việc niêm yết giá các mặt hàng được làm từ trầm hương.

Còn việc đánh giá chất lượng, thật - giả thế nào phải có sự phối hợp của các ngành chức năng. Thực tế lâu nay, ít có đoàn kiểm tra chuyên ngành nào trong lĩnh vực kinh doanh trầm hương, nếu không có phản ánh, khiếu nại từ phía khách hàng sử dụng sản phẩm gặp vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, mặt hàng trầm hương vẫn mặc sức “tung hoành” về giá cả và chất lượng cho đến khi “người trong cuộc” lên tiếng.

Tác giả: DUYÊN ANH - ANH NHƯ

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP