Tiếp tục kiến nghị tháo dỡ 40 móng biệt thự xây trái phép
Mới đây, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết đơn vị này và Viện Sinh thái học Miền Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) vừa gửi thư kiến nghị đến các cơ quan Trung ương và Đà Nẵng về những vấn đề liên quan đến bảo tồn bán đảo Sơn Trà.
Kiến nghị trên tập hợp ý kiến, quan điểm của gần 190 đại biểu, nhà khoa học tham dự cuộc hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà” hôm 15/7.
Tiếp tục kiến nghị tháo dỡ 40 móng biệt thự xây trái phép |
Theo ông Vinh, nhiều ý kiến của các đại biểu khẳng định Sơn Trà là một vùng sinh thái đặc thù của Việt Nam với hơn 1.000 loài thực vật và 21 loài nấm lớn. Trong đó, có 43 loài thực, động vật quý hiếm theo quy định của Việt Nam và quốc tế.
Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích rừng và hệ sinh thái, động vật ở Sơn Trà đang bị đe dọa, thậm chí có nguy cơ biến mất.
Nguyên nhân do việc lấn biển, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển vùng ven bờ, sự lắng đọng trầm tích và khai thác nguồn lợi hải sản ven bờ quá mức, rác thải và ô nhiễm môi trường từ các khu đô thị, nhà hàng, hoạt động du lịch.
“Sơn Trà là một báu vật của Việt Nam và thế giới. Thủ tướng Chính phủ cần quy định việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học là mục tiêu quan trọng nhất mang tính chiến lược ưu tiên của bán đảo Sơn Trà”, bức thư nêu rõ.
Bên cạnh đó, bức thư cũng kiến nghị hoàn trả lại diện tích rừng Sơn Trà bị chuyển sang quy hoạch du lịch. Giữ nguyên trạng hiện nay của bán đảo, không xây mới các công trình hạ tầng và du lịch.
“Tháo bỏ ngay 40 móng biệt thự đã xây trái phép. Yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện các biện pháp chống trôi đất xuống biển trước mùa mưa bão 2017”, bức thư nhấn mạnh.
Ngoài ra, 2 đơn vị trên cũng kiến nghị UBND TP Đà Nẵng và Chính phủ không quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia, mà ưu tiên tập trung quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Sơn Trà là rừng vàng...
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, KTS Hồ Duy Diệm - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải Biển Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Đà Nẵng khẳng định kiến nghị tháo dỡ 40 móng biệt thự xây trái phép ở Sơn Trà mà Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Viện Sinh thái học Miền Nam đưa ra là cần thiết, phù hợp với ý kiến của các chuyên gia và nhà khoa học.
Ông Diệm cho biết, các dự báo từ năm 2008 đã cho thấy Sơn Trà là rừng vàng, vàng có nghĩa là đẻ ra tiền.
Nếu chúng ta làm sáng tỏ những giá trị quý hiếm của Sơn Trà, khu sinh quyển thiên nhiên thì Sơn Trà sẽ tôn vinh Đà Nẵng và người ta sẽ biết đến Đà Nẵng vì Đà Nẵng có rừng Vạn tháo Sơn Trà.
Đáng chú ý, tại hội thảo Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà được tổ chức hôm 15/7, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ TN-MT) đã khẳng định, vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà là mục tiêu ưu tiên số 1.
Đồng thời, đề nghị lập quy hoạch chi tiết khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để tổ chức quản lý theo quy định.
Vị chuyên gia khẳng định, 4 tháng kể từ khi báo chí phát hiện việc đào xới 40 móng biệt thự trên bán đảo Sơn Trà, nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã đồng loạt lên tiếng phản đối.
"Khi Bộ TN-MT lên tiếng bảo vệ thì cũng có thể coi đây là thắng lợi của nhân dân yêu Sơn Trà cũng như của nhân dân cả nước. Tất cả đã tạo ra sự chuyển biến tư duy của những người lãnh đạo thành phố, nhờ những luận cứ khoa học, đánh giá được Sơn Trà quý giá về nhiều mặt, an ninh quốc phòng, sinh thái", ông Diệm nói.
Ngoài ra, ông Diệm cho biết, tại Hội thảo Khoa học về Sơn Trà lần này các nhà khoa học còn đưa ra những số liệu nghiên cứu mới hơn về đa dạng động thực vật, cây thuốc..Và nguy cơ xuống cấp về đất rừng cây rừng nguồn nước khô kiệt về nguy cơ an ninh quốc phòng, về sự hủy hoại rặng san hô
“Sự đa dạng của Sơn Trà làm cho con người muốn bảo vệ Sơn Trà, không muốn xây dựng trên đó bất cứ công trình nào, chỉ muốn là rừng xanh để phát triển, tạo du lịch sinh thái”, ông Diệm nhấn mạnh.
Theo KTS Hồ Duy Diệm, bây giờ, phải xử lý hậu quả của việc đất đỏ lở sụt trôi xuống biển làm ô nhiễm, hỏng san hô, Hội Bảo vệ Lưu vực và dải Biển Việt nam chi hội Miền Trung Tây Nguyên đã đề xuất cho vận chuyển tất cả khối đất đá mới đào lên chuyển ngay đi nơi khác để san lấp mặt bằng, lấy sạch tới đất nguyên thổ trước mùa mưa chỗ nào có nguy cơ trụt là phải chuyển đi hết sau đó mới tính đến việc trồng cây cỏ và các biện pháp kỹ thuật khác.
Còn về mặt pháp lý, cần điều chỉnh để toàn bộ bán đảo Sơn Trà trở lại là một khu bảo tồn thiên nhiên như năm 1992, thu hồi lại quyết định quy hoạch đã công bố đầu năm 2017 trái với quy định pháp luật mà Hội thảo Khoa học đã bổ sung.
“Trong giai đoạn này cần giữ nguyên hiện trạng hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà, không được tác động làm tổn thương thêm hệ sinh thái dưới bất kỳ dạng hoạt động nào.
Mặt khác, khi có quy định rồi thì buộc tháo dỡ ngay 40 móng biệt thự đã xây dựng, hoàn thổ trả lại tự nhiên cho Sơn Trà, không sẽ tiếp tục phá hủy môi trường biển”, ông Diệm nêu quan điểm.
Tác giả: Hà Hoàng
Nguồn tin: Báo Đất Việt