Kinh tế

Thanh tra 60 dự án chuyển đổi đất 'vàng': Vi phạm dần... lộ sáng!

GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng bộ TN&MT cho rằng, 60 dự án đất vàng bị bỏ hoang, hoặc sử dụng sai mục đích là biểu hiện của tham nhũng, cần xử lý nghiêm.

Thông tin về 60 dự án đất "vàng" đang nằm trong tầm ngắm thanh tra của bộ Tài chính khiến dư luận bàn tán xôn xao những ngày qua có rất nhiều cái tên "đình đám" trên thị trường bất động sản.

Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố lớn đứng đầu danh sách có nhiều dự án đất "vàng" trong diện thanh tra do bộ Tài chính đề xuất với Thanh tra Chính phủ. (Ảnh minh họa).

Các công ty có dự án nằm trong danh sách như công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam, công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển TL Sông Nhuệ, công ty Cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới, công ty TNHH MTV Cầu 1 Thăng Long, công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội, công ty TNHH liên doanh ôtô Hòa Bình…

Ngoài ra còn có các dự án chuyển nhượng mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp, như công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất; công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà và đô thị Vinaconex; công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội số 5; công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng giao thông 208; công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và sản xuất vật liệu Nam Thắng; công ty Cổ phần Quốc tế - Đầu tư sản xuất; Tổng công ty Dược Việt Nam...

Bộ Tài chính chỉ đích danh tên các dự án cần thanh tra ở Hà Nội, như dự án chung cư nhà ở thấp tầng của CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinaconex; toà nhà hỗn hợp của CTCP Heteco Hà Nội; khu nhà ở thấp tầng tại Xa La; 25 Vũ Ngọc Phan; 1141 Giải Phóng; dự án Pandora 53 Triều Khúc; dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng; dự án Capital Garden 102 Trường Chinh; dự án Hancico 3.7 Hoàng Đạo Thuý (Lê Văn Lương)…

Về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên là Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ.

PV: Theo ông, trách nhiệm trong câu chuyện này thuộc cá nhân, đơn vị nào?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Cần xác định rõ việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất có phù hợp với quy hoạch được duyệt hay chưa. Trong các nghiên cứu về tham nhũng đã chỉ ra, giao đất cho chủ đầu tư được chỉ định, sau đó quyết định giá đất theo cơ quan có thẩm quyền (chủ yếu là UBND cấp tỉnh) là cách thức làm gắn với tham nhũng. Bởi, thẩm quyền thuộc về một người từ quyết định dự án, quyết định giá đất, không sử dụng định giá đất độc lập… Cần làm rõ câu chuyện này, giá đất quy định trên cơ sở nào, chênh lệch với giá đất trên thị trường ra sao…

Sử dụng thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng dự án một cách thiếu căn cứ có thể dẫn đến tình trạng dự án nhà ở được quyết định quá nhiều, dự án hạ tầng không theo kịp. Điều đó sinh ra ách tắc giao thông, mất cân đối về không gian đô thị… Hiện có tình trạng giao không gian xây dựng các dự án nhà ở tại các thành phố lớn quá nhiều so với các dự án phát triển hạ tầng.

Do đó, tôi đề nghị thanh tra, kết luận phải công khai. Trong đó, việc làm rõ căn cứ pháp luật để cơ quan chức năng cấp tỉnh cho chuyển đổi mục đích sử dụng dự án có đúng không là điều quan trọng. Phải cương quyết xử lý dự án, nhà đầu tư và cơ quan có thẩm quyền, nhất là người ở UBND cấp tỉnh đã đưa ra những quyết định không đúng dẫn đến hậu quả nặng nề, thất thoát lớn.

PV: Theo ông, việc doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa cố tình “bỏ quên” giá trị đất có vị trí đắc địa (đất “vàng”) khi tiến hành định giá doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Có hai trường hợp. Thứ nhất do cố tình, trong đó có tính toán trước về nhóm lợi ích. Điều này biểu hiện từ việc đưa ai là nhà đầu tư chiến lược vào, đưa giá trị đất thấp đi để nhà đầu tư chiến lược quyết định làm sai lệch so với mục tiêu cổ phần hóa của doanh nghiệp Nhà nước. Có việc chuyển từ doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này sang lĩnh vực khác hoàn toàn.

Thứ hai, thực tế có những trường hợp cổ phần hóa xong nhưng do sơ suất của việc quyết định giá đất, hoặc kẽ hở của pháp luật… dẫn tới, công ty tư nhân quyết tâm dồn tiền mua cổ phần với giá rẻ để đạt tổng giá trị cổ phiếu lớn hơn 50%. Họ quyết định sai việc sử dụng đất với doanh nghiệp Nhà nước cũ. Ví dụ, có những công ty về công nghệ, sau khi cổ phần hóa lại chuyển sang làm karaoke…

Cổ phần hóa như vậy là vô nghĩa, làm sai lệch mục tiêu cổ phần hóa, thất thu ngân sách Nhà nước.

Qua việc thanh tra 60 dự án đất "vàng" này, tôi nghĩ tới đây cần sửa đổi nhiều quy định trong luật Đất đai năm 2013 theo hướng chi tiết hơn. Vì việc sử dụng đất trên thực tế hiện nay có quá nhiều bất cập.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: Dương Thu

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP