Cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc và có hiệu lực thi hành từ 12/10.
Trong đó, quy định một số đối tượng được phép sử dụng đồng Nhân dân tệ (CNY) trong thanh toán tại vùng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thanh toán trong thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Ngay sau khi NHNN ban hành, Thông tư 19 nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Trên thực tế, việc sử dụng, thanh toán đồng Nhân dân tệ tại khu vực biên giới đã được pháp luật Việt Nam cho phép từ năm 1993.
Thanh toán Nhân dân tệ tại khu vực biên giới đã được áp dụng từ năm 1993 |
Cụ thể, theo Hiệp định Thanh toán giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc năm 1993, cho phép giao dịch ngoại tệ tại vùng biên giới giữa hai nước với một số điều kiện cụ thể.
Điều 1 của Hiệp định quy định, mọi trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước, do các tổ chức ngoại thương và các thực thể kinh tế khác thực hiện đều phải được các cơ quan hữu trách của Chính phủ mỗi nước cho phép và thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi được hai bên chấp thuận.
Trong đó, mọi thanh toán hàng hóa và dịch vụ thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại của hai nước theo thông lệ quốc tế, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Điều 4 của Hiệp định nêu rõ, để phục vụ cho dân cư vùng biên giới đi lại, trao đổi, mua bán, hệ thống ngân hàng thương mại giữa hai bên tùy theo điều kiện của từng nước sẽ quyết định thành lập quầy đổi tiền. Căn cứ vào tình hình cụ thể, hai bên cho phép sử dụng đồng tiền được hai bên bàn bạc chấp thuận.
Điều 5, hai bên nhận thấy cần thực hiện những biện pháp cụ thể, thiết thực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hai nước, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa ngân hàng hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2004, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng nhấn mạnh về việc hợp pháp hóa việc thanh toán ngoại tệ tại khu vực biên giới.
Thực chất, Thông tư 19 của NHNN chỉ thay đổi một số điều khoản chi tiết hơn Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN đã được thi hành từ năm 2004.
Thông tư 19 tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Luật Các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối, và được thiết kế để các giao dịch thương mại biên giới Việt - Trung, dù được tạo thuận lợi bằng việc được sử dụng cả hai đồng tiền VND và CNY.
Luật Các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành đều khẳng định rõ nguyên tắc bất di bất dịch là trên lãnh thổ Việt Nam, đồng tiền Việt Nam là đồng tiền duy nhất được lưu hành.
Các ngoại tệ có thể được sử dụng làm phương tiện giao dịch, thanh toán trong các giao dịch dân sự, nhưng đều phải qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng được phép giao dịch ngoại hối, và chịu sự giám sát, kiểm soát của Nhà nước.
Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, đại diện của NHNN trích dẫn lời phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trên Vietnamnet: Đối tượng của Thông tư 19 đã được khoanh rõ qua Luật và Nghị định, cùng các văn bản pháp quy liên quan khác (như Luật Biên giới, Luật Hộ khẩu), để giới hạn phạm vi áp dụng về con người, địa bàn, hàng hóa, phương thức kinh doanh, cách thức thanh toán… theo các quy định về thương mại biên giới, đi đôi với các công cụ giám sát của nhiều cơ quan nhà nước liên quan.
Và do vậy, Thông tư 19 theo đúng luật pháp hiện hành sẽ chỉ được áp dụng trong phạm vi những giới hạn này. Quy mô giao dịch tiền tệ và phạm vi ảnh hưởng của nó sẽ không rộng lớn như nhiều người lo ngại.
Ngay trong Thông tư 19, các quy định về thanh toán qua ngân hàng, giao dịch tiền mặt cho thương nhân và cư dân cả hai bên biên giới cũng được đưa ra cụ thể, chi tiết, khá chặt về pháp lý để nhà nước có thể giám sát, kiểm soát được cả về giao dịch thương mại lẫn việc thanh toán và giao dịch tiền tệ giữa hai bên.
Tác giả: VIỆT VŨ
Nguồn tin: Báo VTC News