Du lịch

Thành phố có 8 'địa ngục' ở Nhật Bản

Thành phố Beppu, đảo Kyushu, Nhật Bản có hơn 2.900 suối nước nóng luôn bốc hơi nghi ngút, trong đó có 8 nơi nổi tiếng hơn cả bởi nhiệt độ luôn ở mức 50-99,5 độ C.

Hòn đảo Kyushu ở Nhật Bản như một lò địa nhiệt, nhờ có hoạt động mạnh mẽ của núi lửa Aso. Do điều kiện địa lý đặc biệt mà nơi đây có rất nhiều suối nước nóng, tập trung chủ yếu quanh Beppu, thành phố nhỏ nằm ở giữa một vịnh biển Inland và hai ngọn núi lửa ở bờ đông đảo Kyshu. Beppu có hơn 2.900 suối nước nóng có thể cung cấp hơn 130.000 tấn nước từ lòng đất mỗi ngày. Hơi nước bốc lên từ các dòng suối nước nóng này làm cho cả thành phố khi nhìn từ xa trông như đang bốc cháy.

Hơi từ các dòng suối nước nóng bốc lên nghi ngút làm cho mọi người có cảm giác Beppu đang bùng cháy.


Jigoku (hay Hells - địa ngục) là một từ tiếng Nhật để nói tới các suối nước nóng nổi tiếng của thành phố. Beppu có 8 jigoku và chúng thật sự không khác gì "địa ngục trần gian". Nước ở các suối này có nhiệt độ khoảng 50-99,5 độ C. Không cần nhắc nhở bạn cũng biết các jigoku không phải là nơi thích hợp để tắm, nhưng vẫn là điểm đến thu hút du khách.

Bên cạnh khai thác du lịch, số lượng lớn suối nước nóng ở Beppu còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của người dân bản địa. Hơi nước từ các giếng dùng để làm nóng nước chuyển tới từng gia đình qua đường ống. Một số nhà hoặc tiệm ăn còn sử dụng để nấu nướng. Nước ở đây cũng được dùng cho nghiên cứu nông nghiệp, trở thành liệu pháp thể chất và dùng cho bể tắm nghỉ dưỡng. Do đó, Beppu là khu nghỉ dưỡng suối nước nóng lớn nhất thế giới.

Chinoike Jigoku

Đây là suối nước nóng đẹp nhất ở Beppu với màu nước đỏ như son, suối còn có tên khác là "ao máu". Nước có màu như vậy là vì chứa oxit sắt và oxit magie.

Umi Jigoku

Umi Jigoku còn gọi là "ngục biển" bởi nó có màu xanh cobalt trông khá mát mẻ như nước biển. Tuy nhiên, bạn hãy cẩn thận vì nước ở đây nóng tới 98 độ C. Nằm trong khuôn viên vườn cây xanh mát, nơi đây còn có một số suối nước nóng khác, nước trong hơn. Các cửa hàng gần Umi Jigoku còn bán pudding và trứng luộc chín bằng chính suối nước nóng này.

Nước ở Umi Jigoku xanh như màu nước biển.


Oniishibozu Jigoku

"Ngục đầu sư" là tên mà mọi người đặt cho Oniishibozu Jigoku vì xuất hiện nhiều bọt bóng giống như đầu trọc của các vị sư. Bên cạnh suối nước nóng là một khu vực tắm công cộng với khá nhiều bể bơi.

Shiraike Jigoku

Shiraike Jigoku hay "ngục trắng" có một ao nước nóng màu trắng như sữa. Nước có màu như vậy là do sự hòa trộn của axit boric, muối, natri silicat và canxi bicacbonat. Ao nước này được bao bọc xung quanh là một khu vườn đẹp, một bể cá có nuôi loài cá răng đao.

Kamado Jigoku

"Ngục nồi nấu" có vài ao nước sôi sùng sục với một bức tượng quỷ đỏ nằm ngay ở cổng vào. Ở khu vực xung quanh ao nước, du khách có thể uống nước từ suối, nghỉ chân và ăn snack nấu từ chính dòng suối nước nóng.

Tatsumaki Jigoku

Tatsumaki Jigoku hay "ngục nước phun" là một mạch nước nóng cứ khoảng 30-40 phút lại phun tầm 6 đến 10 phút. Dòng nước phun lên cao tới 50m nên người ta đã đặt một phiến đá ở mạch để chặn bớt sức phun của nó, tránh việc nước nóng tạt ra xung quanh và bắn vào du khách.

Du khách có thể lại gần mạch nước nóng mà không sợ bị dính nước vào người.


Oniyama Jigoku

Oniyama Jigoku còn gọi là "ngục núi quỷ" hay "ngục cá sấu" vì đây là nơi sinh sống của rất nhiều cá sấu, chúng sinh sản và tiếp tục sống ở khu vực xung quanh suối nước nóng.

Yama Jigoku

"Ngục núi" chính là tên khác của Yama Jigoku, nơi đây có nhiều ao nhỏ chứa nước nóng bốc hơi nghi ngút. Du khách tới đây còn có thể tham quan một vườn thú nuôi nhiều loài động vật khác nhau.

Tác giả bài viết: Hương Chi

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP