Thế giới

Thách thức với EU hậu bầu cử Quốc hội Hungary

Sau chiến thắng vang dội của đảng Fidesz ở Hungary, Liên minh châu Âu (EU) lập tức đối mặt với thách thức mới liên quan đến vấn đề di cư.

Cuộc bầu cử Quốc hội tại Hungary ngày 8/4 đã kết thúc với chiến thắng vang dội của đảng Fidesz của đương kim Thủ tướng Viktor Orban, người có quan điểm cứng rắn với người nhập cư và luôn bảo vệ lợi ích quốc gia trên hết. Nhưng nó cũng đặt ra thách thức với Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh bất đồng sâu sắc giữa Budapest và Brussels, đặc biệt là vấn đề người tị nạn, đồng thời chủ nghĩa dân túy, dân tộc và hoài nghi châu Âu đang trỗi dậy tại châu lục.

Chính trị gia Orban. Ảnh: The Globalist.

Chiến thắng không bất ngờ

Chiến thắng của đảng Fidesz cầm quyền là hoàn toàn có thể dự đoán được, bởi quan điểm chống người nhập cư trái phép của Thủ tướng Orban dường như đánh trúng tâm lý của nhiều người dân Hungary vốn lo sợ các cuộc tấn công khủng bố mà họ cho là do làn sóng người nhập cư gây ra. Thủ tướng Orban đã nhiều lần cảnh báo về mối nguy hiểm của làn sóng người tị nạn vào châu Âu mà phần lớn đều đến từ các quốc gia Hồi giáo, điều mà ông mô tả là sự xâm lăng của văn hóa Hồi giáo vốn không có điểm chung với văn hóa Thiên chúa giáo của châu Âu.

Chính vì vậy, thay vì ra tuyên ngôn tranh cử như các đảng khác, đảng Fidesz của ông tập trung vào một mục tiêu duy nhất: chống người nhập cư, làm mọi cách để bảo vệ Hungary bởi “Hungary trên hết”.

Thủ tướng Orban thậm chí nhắm vào nhà tỉ phú Mỹ George Soros, người mà ông tin là đứng đằng sau chính sách tị nạn của Liên Hợp Quốc hay Liên minh châu Âu nhằm khuyến khích người nhập cư ồ ạt vào châu lục, trong đó có Hungary.

Một loạt các biện pháp được Thủ tướng Orban thực hiện, trong đó có việc xây dựng hai lớp rào kiên cố trên biên giới phía Nam để ngăn người nhập cư trái phép, thắt chặt luật trừng phạt người nhập cư trái phép, hay từ chối tiếp nhận người tị nạn theo cơ chế hạn ngạch của Liên minh châu Âu. Dù bị các nhà lãnh đạo châu Âu ở Brussels chỉ trích, nhưng không thể phủ nhận một thực tế, các biện pháp trên đã giúp Hungary trở nên an toàn hơn rất nhiều trong hơn hai năm qua kể từ khi cuộc khủng hoảng người nhập cư lên đến đỉnh điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016.

Là người tiên phong chống nhập cư trái phép nên chiến thắng của Thủ tướng Orban dường như càng tăng thêm sức mạnh cho liên minh các nước Trung Âu trong cuộc chiến chống lại chính sách nhập cư của EU. Ngoài 4 nước trong nhóm Visegrad bao gồm Cộng hòa Séc, Ba Lan, Slovakia và Hungary, Áo cũng là nước phản đối người nhập cư trái phép. Chính chính sách chống người nhập cư đã mang lại thắng lợi cho Đảng Nhân dân Áo trong cuộc tổng tuyển cử sớm cuối năm ngoái.

Làn sóng nhập cư sẽ dâng cao?

Nhiều người lo ngại chiến thắng của Thủ tướng Orban có thể sẽ cổ xúy cho làn sóng chống người nhập cư lên cao tại một số nước, và nó sẽ làm cho cuộc tranh cãi bấy lâu nay về một vấn đề vốn gây chia rẽ nội bộ khối giữa Brussels và các nước phản đối hạn ngạch dường như không có hồi kết. Ngay khi biết tin về kết quả bầu cử ở Hungary, thủ lĩnh Mặt trận dân tộc Pháp có tư tưởng cực hữu, bà Marine Le Pen, chúc mừng thắng lợi của Thủ tướng Orban đồng thời khẳng định chính sách nhập cư mà EU theo đuổi một lần nữa lại bị khước từ.

Một chiến thắng vang dội của đảng Fidesz được cho là một phép thử tiếp theo đối với EU về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, tư tưởng hoài nghi châu Âu tại châu lục. Sự thắng lợi của các đảng theo tư tưởng dân túy và cực hữu tại Italia, Áo, Séc và một số nước khác trong các cuộc bầu cử Hạ viện vài tháng trở lại đây cho thấy xu hướng này ngày càng lan rộng tại châu Âu. Khi biết tin về kết quả bầu cử tại Hungary, thủ lĩnh Đảng Tự do cực hữu ở Hà Lan hay đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AFD) chúc mừng thắng lợi của Thủ tướng Viktor Orban, coi đây là một ngày tốt đẹp với châu Âu, nhưng lại là một ngày buồn với EU.

Các nhà phân tích cho rằng xu hướng dân túy gia tăng sẽ làm suy yếu sự tập trung của Pháp và Đức vào kế hoạch hội nhập khu vực, và nó đồng nghĩa với việc làm suy yếu khu vực sử dụng đồng tiền chung euro. Hungary hiện vẫn chưa phải là thành viên của khu vực này, nên khó có khả năng nó gây ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng về lâu dài có có thể gây ra sự bất ổn. Nếu sự lo ngại của các nhà đầu tư về sự thành công của EU tăng lên do sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy, nó có thể ảnh hưởng đến giá trị của đồng ơ-rô.

Trong khi đang đau đầu giải quyết hậu quả của việc Anh chia tay khối, EU vẫn phải đối phó với nhiều vấn đề gai góc khác, trong đó có cuộc khủng hoảng người nhập cư gây tranh cãi và sự lấn lướt của phe dân túy, dân tộc chủ nghĩa hay cực hữu trước các chính đảng truyền thống. Chắc chắn kết quả cuộc bầu cử Quốc hội ở Hungary không phải là một tin vui đối với EU, và nó tiếp tục tạo ra thách thức lâu dài đối với liên minh trên con đường thực hiện thành công kế hoạch hội nhập, thống nhất khu vực./.

Tác giả: Hữu Bình

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP