Giáo dục

Tây Nguyên: San bớt gánh nặng giáo dục cho tư nhân

Trên 5 tỉnh Tây Nguyên, hơn 1.400.000 học sinh đã bước vào năm học 2016-2017. Chủ trương giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, bằng cách thu hút nhiều nguồn lực khác đầu tư vào giáo dục, đã giúp các bậc phụ huynh có thêm nhiều cơ hội lựa chọn môi trường học tập tại chỗ cho con em mình.

Giờ học tiếng Anh sinh động với thầy Timothy Scoh ở trường Hoàng Việt


Thống kê đầu năm học mới từ các Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cho thấy số học sinh (HS) từ mầm non đến hết các cấp phổ thông trên Tây Nguyên vẫn không ngừng tăng cao, hiện lên tới 1.445.275 HS. Đông nhất là Đắk Lắk, với 454.116 HS. Kế tiếp là Gia Lai với 377.919 HS, Lâm Đồng 304.400 HS, Đắk Nông 160.619 HS, và Kon Tum 148.221 HS.

Ngân sách hạn hẹp phải phân bổ trên diện rộng, có hàng nghìn buôn làng vùng sâu vùng xa, và hệ lụy của hàng triệu dân nghèo di cư tự do sống rải rác trong rừng sâu hẻm núi, phá vỡ các quy hoạch dân cư, ngành giáo dục các tỉnh Tây Nguyên phải chạy theo mở rất nhiều điểm trường nhằm bảo đảm cho con em đồng bào các dân tộc đều được đến lớp, luôn thiếu trước hụt sau.

Là tỉnh được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen về việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2015-2016, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk vẫn thấy còn nhiều điều đáng trăn trở : chất lượng GD-ĐT giữa các hệ đào tạo, các trường, các vùng rất chênh lệch. Đội ngũ giáo viên các cấp học còn thiếu, yếu, vấn nạn dạy thêm học thêm không đúng quy định vẫn gây bức xúc trong dư luận, thiếu điều kiện giáo dục kỹ năng sống cho học sinh v.v... Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đã giúp ngành bớt chật vật, dồn sức chăm lo cho giáo dục vùng khó khăn.

Những năm qua, hàng vạn gia đình trên Tây Nguyên chấp nhận tốn kém không nhỏ để gửi con xuống học ở các trường tư thục chất lượng cao (TTCLC) tại TP.HCM, và hàng tháng lại long đong vất vả đón xe đò, đáp máy bay đi thăm con, mà một trong những lý do cơ bản là muốn con em mình được nuôi dạy chu đáo, được học thông thạo tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Trước thực tế đó, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn xây nên nhiều trường TTCLC.

Dẫn đầu các tỉnh Tây Nguyên về xã hội hóa giáo dục, Đắk Lắk hiện đã có hơn 50 trường tư thục các cấp hoạt động tốt trong nhiều năm qua. Tại Buôn Ma Thuột, mỗi mùa tuyển sinh phụ huynh lại nườm nượp xin cho con em nhập học vào các trường TTCLC như Mầm non Hoa Cúc, Mầm non Họa Mi, tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiểu học Quốc tế, THCS & THPT Đông Du. Nhưng phải tới năm học 2016-2017 này, khi 2 trường liên cấp phổ thông TTCLC đầu tiên trên địa bàn tỉnh tuyển sinh, thì một số trường công lập hàng đầu mới thực sự giảm tải.

Trường Tiểu học- Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông Victory chỉ tuyển sinh đầu cấp với các lớp 1-2-6-10, tổng mức đầu tư 60 tỉ đồng, ngay năm học đầu đã mở được 30 lớp cho 903 HS trong môi trường học tập và sinh hoạt tiện nghi. Còn trường Tiểu học, Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Hoàng Việt thì táo bạo tuyển sinh đủ các lớp cả 3 cấp, đón nhận cả HS trong và ngoài tỉnh ngay từ tháng 8/2016. Với tổng dự toán công trình hơn 300 tỷ đồng cho 2 giai đoạn, kết thúc năm 2019, hiện mới khánh thành giai đoạn I với 120 tỉ đã đầu tư, Hoàng Việt là trường phổ thông liên cấp lớn nhất trên Tây Nguyên. Ngoài 10,7 ha trường lớp và khu ký túc xá hiện đại ở phường Tân An, trường còn có trang trại chăn nuôi rộng 12 ha và trang trại rau sạch rộng 30 ha để học sinh được trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, tạo nguồn cung ứng thực phẩm an toàn cho 3.000 HS và cán bộ nhân viên nhà trường sau khi công trình hoàn tất.


Còn ngôi trường TTCLC liên cấp xuất hiện đầu tiên trên Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2009, đã đổi chủ sở hữu từ năm 2014. Ngày 5/9/2016 trao đổi với đại diện báo Tiền Phong, ông Đàm Văn Ngọc hiệu trưởng trường Quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương Gia Lai xác nhận: Tuy mức thu phí cao so với mặt bằng sinh hoạt trên địa bàn, lại chưa hợp đồng được giáo viên nước ngoài nào dạy tiếng Anh, trường hiện vẫn có 15 lớp với 210 HS theo học.

Các trường TTCLC tại Đắk Lắk như tiểu học Quốc tế, Victory, Hoàng Việt hiện đều có các giáo viên dạy tiếng Anh là người bản ngữ. Thầy Timothy Scoh Shapico người Mỹ cho biết ông yêu cả cà phê, khí hậu và ... cô vợ thông minh mới cưới người Buôn Ma Thuột. Ông đã xây dựng chương trình dạy tiếng Anh hàng đầu trên Tây Nguyên, chú trọng cả HS giỏi lẫn HS kém tại trường Hoàng Việt, dự định sang năm sẽ mua nhà, định cư lâu dài ở đây. Bố mẹ ông rất ủng hộ khi thấy con trai mình đang sống hạnh phúc với công việc đầy ý nghĩa.

Tác giả bài viết: Hoàng Thiên Nga

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP