Du lịch

Tây Bắc: Mỗi tỉnh một “đặc sản” du lịch

Các tỉnh Tây Bắc đều nhận thấy và xác định sẽ chọn những điểm mạnh nhất dựa vào điều kiện thiên nhiên có sẵn để phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng. Đồng thời, kế hoạch liên kết phát triển du lịch vùng của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng được triển khai từ 8 năm nay cùng Năm du lịch quốc gia 2017 do Lào Cai chủ trì sẽ là cơ hội để du lịch Tây Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng lớn của khu vực.

Đa dạng văn hóa bản địa

Dù được đánh giá là sẵn có tiềm năng du lịch với những đặc trưng riêng về cảnh quan, văn hóa, lịch sử..., nhưng du lịch Tây Bắc vẫn chưa phát triển tương xứng. Theo thống kê, năm 2015 Tây Bắc đón khoảng 15,5 triệu lượt khách du lịch, nhưng phần lớn là khách nội địa và chỉ đổ dồn vào một số trung tâm, như Sa Pa (Lào Cai) vào các dịp nghỉ lễ hay cuối tuần, dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ.

Các điểm du lịch Lào Cai như Sa Pa, Bắc Hà thu hút rất đông khách du lịch, đặc biệt vào dịp cuối tuần, gây quá tải cục bộ.


Hiện tại, các tỉnh Tây Bắc đều xác định chọn những điểm mạnh nhất của mình để tập trung xây dựng “đặc sản” du lịch, như Lào Cai, Yên Bái có ruộng bậc thang, Hà Giang có hoa tam giác mạch, Điện Biên có cụm di tích quốc gia chiến thắng Điện Biên Phủ, Hòa Bình, Sơn La có du lịch sinh thái, trải nghiệm…

Sự đa dạng về văn hóa bản địa cũng được khai thác để tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng, như Lào Cai có lễ hội của người Mông, Hà Giang có chợ tình Khau Vai, Yên Bái có múa xòe của người Thái Mường Lò, Sơn La có ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái…

Một số tỉnh khai thác tốt “đặc sản” du lịch như Lào Cai thu hút khách tăng đều hằng năm, với 1,46 triệu lượt khách năm 2014 và tăng lên 2,2 triệu lượt năm 2015. Sơn La trong 5 năm lượng khách du lịch tăng gần 2,7 lần, từ 615 nghìn lượt năm 2010 lên gần 1,6 triệu lượt năm 2015, tổng thu du lịch tăng gần 9 lần từ 70,5 tỉ đồng năm 2010 lên 625 tỉ năm 2015.

Liên kết phát triển du lịch vùng

“Năm du lịch quốc gia 2017” sẽ được tổ chức tại Tây Bắc, do Lào Cai chủ trì. Ông Nguyễn Đình Dũng - PGĐ Sở VHTTDL Lào Cai cho biết, tỉnh đã có kế hoạch liên kết với 8 tỉnh Tây Bắc, tạo 8 sản phẩm chính cho Năm du lịch quốc gia 2017, gồm: Du lịch cộng đồng; hành trình khám phá di sản ruộng bậc thang; chợ phiên vùng cao; du lịch tâm linh dọc sông Hồng; du lịch tâm linh dọc sông Đà; sắc hoa Tây Bắc; dấu chân huyền thoại; chinh phục đỉnh cao…

Mộc Châu (Sơn La) thu hút du khách với các tour tham quan đồi chè, mùa hoa cải, hoa mận...


8 tỉnh Tây Bắc mở rộng cũng đã triển khai kế hoạch liên kết phát triển du lịch vùng từ năm 2008. Trong dự thảo đề án phát triển du lịch 2016 - 2020, Lào Cai được xác định là trung tâm du lịch của toàn vùng, có vai trò kết nối tour, tuyến với các tỉnh phía Bắc, với kế hoạch phát triển du lịch tâm linh dọc sông Hồng với Yên Bái, Phú Thọ; kết nối du lịch núi với du lịch biển,du lịch văn hóa vùng cao với vùng đồng bằng Bắc Bộ cùng Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình; khai thác tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc cùng Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Điện Biên... Lào Cai cũng có kế hoạch kết nối với tỉnh Vân Nam (TQ), Luang Prabang (Lào), Chiangmai (Thái Lan) để phát triển các sản phẩm du lịch chuyên biệt như ruộng bậc thang, chợ đêm, du lịch xe tự lái…

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá: “Việc phát huy có hiệu quả tài nguyên và tiềm năng du lịch sẽ mở ra cho hoạt động liên kết phát triển du lịch Tây Bắc một cánh cửa mới. Đặc biệt, “Năm du lịch quốc gia 2017” là cơ hội lớn để Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc giới thiệu về 3 nét nổi bật, khác biệt riêng có của Tây Bắc là sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự đặc sắc về văn hóa và sự hào hùng về lịch sử để thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước...”.

Tác giả bài viết: Linh Phương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP