Tin địa phương

Tàu ngư dân bị đâm, Bảo Việt Quảng Bình từ chối bảo hiểm

Công ty bảo hiểm Bảo Việt Quảng Bình trong một ngày vừa ký văn bản thông báo nộp tiền kỳ 2 đối với tàu thuyền ngư dân, vừa ra công văn chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, khiến chính sách hỗ trợ bảo hiểm đối với ngư dân của Nhà nước bị méo mó.

Bảo Việt Quảng Bình một ngày ra 2 văn bản ép ngư dân

2 văn bản ''đì'' ngư dân trong 1 ngày

Ông Phạm Ngọc Cường (Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình) sở hữu tàu cá QB93192TS, có công suất hơn 900CV, đánh bắt xa bờ, được nhà nước hỗ trợ 50 bảo hiểm. Nhiều năm, ông tham gia bảo hiểm tàu cá đầy đủ. Ngày 20.9.2017, công ty Bảo Việt Quảng Bình cấp giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 363 cho con tàu QB93192TS do ông làm chủ với số tiền bảo hiểm 3 tỉ đồng.

Giấy chứng nhận này do ông Trần Nguyễn Trường Sơn, hiện là quyền giám đốc Bảo Việt Quảng Bình ký mà không gửi trọn bộ hợp đồng bảo hiểm theo đúng quy định của luật pháp.

Chứng nhận đăng ký tàu cá của ông Cường

Ngày 8.1.2018, tàu cá của ông Cường đánh bắt trên vùng biển cách cửa Gianh (Quảng Bình) chừng 10 hải lý, bất ngờ bị tàu Hùng Khánh 86 ở Hải Phòng đâm chìm. Ông Cường cùng các thuyền viên được các tàu cá gần đó cứu sống. Thiệt hại quá lớn, ông Cường báo cho nhân sự của Bảo Việt Quảng Bình có trách nhiệm thực hiện bảo hiểm đền bù. Tuy nhiên, ông Trần Nguyễn Trường Sơn từ chối đền bù.

Ông Sơn chứng nhận bảo hiểm cho ông Cường

Ông này viện lý do ông Cường chưa thanh toán phí bảo hiểm kỳ 2 của hợp đồng bảo hiểm nên ra quyết định chấm dứt hiệu lực từ ngày 11.12.2017. Điều kỳ lạ là Bảo Việt Quảng Bình ra thông báo 528 thanh toán bảo hiểm kỳ 2 cùng quyết định chấm dứt hiệu lực bảo hiểm số 532 cùng ngày 11.12.2017. Được biết số tiền thanh toán bảo hiểm là 90 triệu đồng.

Thời hạn hợp đồng bảo hiểm 1 năm, từ ngày 22.6.2017 đến 22.6.2018. Thời hạn thanh toán bảo hiểm được chia thành hai kỳ. Kỳ 1 thanh toán 50% phí bảo hiểm thân tàu với số tiền 45 triệu đồng, kỳ 2 thanh toán 50% phí bảo hiểm thân tàu còn lại sau 6 tháng (chậm nhất không quá 180 ngày) kể từ ngày có hiệu lực bảo hiểm với số tiền 45 triệu đồng.

Một luật sư cho biết, khi nghiên cứu hồ sơ này thì Bảo Việt Quảng Bình cho 2 văn bản thông báo nộp tiền kỳ 2 cũng như chấm dứt hiệu lực hợp đồng bảo hiểm trong cùng 1 ngày là hoàn toàn sai nguyên tắc. Trong khi đó, thời hạn bảo hiểm vẫn còn hiệu lực. Đây là đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Nỗi lòng ngư dân

Ông Cường cho biết, tàu cá do ông mua lại của ông Phạm Ngọc Hoàng cùng xã, ông Hoàng đã nộp bảo hiểm lần 1. Khi ông mua lại tàu cá của ông Hoàng, ông Trần Nguyễn Trường Sơn (Quyền giám đốc Bảo Việt Quảng Bình) cấp giấy chứng nhận tàu cá số 363 cho ông nhưng cố tình không đưa ra hợp đồng bảo hiểm gốc.

Trong khi đó 2 văn bản 528 và 532 lại được Bảo Việt Quảng Bình chuyển đi cho một ngư dân khác có tên Ngọc Hoàng ở xã Cảnh Dương. Việc làm này theo ông Cường là hoàn toàn không đúng bản chất vì cấp giấy chứng nhận một đằng, chấm dứt một nẻo.

Thông báo nộp tiền kỳ 2 và chấm dứt bảo hiểm trong cùng 1 ngày không gửi cho ông Cường mà gửi cho chủ cũ do ông Trần Nguyễn Trường Sơn ký là một cách làm xiếc trên lưng ngư dân

Ông Cường khẳng định, tàu cá này ông mua lại, địa phương có chứng nhận rõ ràng, Chi cục khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã cấp giấy đăng kiểm cho ông Cường. Vậy thì rõ ràng Bảo Việt Quảng Bình phải gửi thông báo nộp tiền kỳ 2 cho ông chứ không thể gửi cho chủ tàu trước vì ông đã được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá.

Ông Cường đánh giá, đây là trò làm xiếc của nhân viên bảo hiểm nhằm trục lợi trên sự mất mát của ngư dân. “Tôi mua tàu, có giấy kiểm định tàu của tôi, thì Bảo Việt Quảng Bình phải có hợp đồng với tôi khi cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho tôi, đằng này không có lại gửi giấy cho chủ cũ là việc làm không phù hợp. Vì con tàu này với chủ cũ vẫn còn giá trị hợp đồng bảo hiểm thì Bảo Việt Quảng Bình phải tự chủ động chuyển bảo hiểm tên tôi, nhưng họ không làm thế mà cố tình để tên chủ cũ, gài cho tôi vào việc không nộp lần 2 để hủy hợp đồng là điều phạm pháp”, ông Cường nói.

Vị luật sư nói trên cho biết, vì trong một năm, con tàu này không thể hưởng 2 lần hỗ trợ của nhà nước, do đó Bảo Việt Quảng Bình phải có trách nhiệm tự động chuyển đổi tên khách hàng từ chủ cũ sang chủ mới.

Con tàu hơn 900CV của ông Cường bị bảo hiểm làm xiếc sau khi gặp tai nạn

Làm việc với bưu điện tỉnh Quảng Bình, giám đốc phụ trách nghiệp vụ ông Nguyễn Quang Phúc cho biết: “Chúng tôi nhận chuyển phát công văn từ Bảo Việt Quảng Bình, Bảo Việt ghi rõ địa chỉ là chuyển đến người nhận khác chứ không phải ông Cường, chúng tôi phải chuyển đúng địa chỉ, còn không thể biết nội dung bên trong bì thư chuyển đi của Bảo Việt Quảng Bình nội dung gì”. Như vậy có thể hiểu rằng, bưu điện không thể chuyển sai địa chỉ thì tại sao Bảo Việt Quảng Bình lại viết sai địa chỉ người nhận 2 văn bản ban hành trong cùng một ngày?

Lạ lùng hơn, sau nhiều lần tiếp xúc, phía Bảo Việt Quảng Bình làm khó và không hợp tác, đến ngày 17.1.2018, gia đình ông Cường vào Công ty Bảo Việt Quảng Bình mới có cuộc tiếp xúc. Tại đây, ông Nguyễn Đình Hiệp - cán bộ Quản lý và ông Trần Nguyễn Trường Sơn thông báo từ chối bồi thường bảo hiểm. Cũng ngày này, ông Cường mới lấy được thông báo nộp tiền kỳ 2, thông báo chấm dứt hợp đồng cũng như hợp đồng bảo hiểm mà khi mua bảo hiểm gia đình ông không hề được Bảo Việt Quảng Bình bàn giao.

Bất hợp tác với báo chí

Liên hệ làm việc với ông Trần Nguyễn Trường Sơn, ông ta nói gọn lỏn; mọi việc đã báo với Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Việt Nam, cứ liên hệ bên bộ phận maketing ngoài tổng Công ty.

Sau đó, Bảo Việt Quảng Bình có một cuộc hẹn vào lúc 2h ngày 31.8.2018 làm việc với ông Cường, nhưng 3h chiều ông Sơn mới có mặt cùng một số cán bộ khác tại trụ sở UBND xã Cảnh Dương. Một số phóng viên có mặt ghi nhận khách quan buổi làm việc nhưng ông Trần Nguyễn Trường Sơn đề nghị các phóng viên ra ngoài, không cho tham sự, tiếp đó ông Sơn lại mời bố mẹ ông Cường ra ngoài.

Ông Trần Nguyễn Trường Sơn làm việc ở trụ sở UBND xã Cảnh Dương nhưng "mời" phóng viên và người thân ngư dân ra, rất xem thường chính sách của nhà nước với ngư dân góp phần giữ gìn biển đảo

Luật sư Huỳnh Mỹ Long, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá: “Đây là vụ việc dân sự tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nên khi bên bảo hiểm và bên khách hàng gặp gỡ nhau tại UBND Cảnh Dương để thương thuyết, đàm phán là phù hợp. Việc phóng viên muốn tham gia buổi đàm phán đó theo đề nghị của bên khách hàng cũng phù hợp với quy định pháp luật về Luật Báo chí. Bởi, khách hàng của bảo hiểm muốn báo chí tham gia phiên gặp là thể hiện ý khách quan”.

Theo thống kê, Quảng Bình hiện có hơn 3.000 tàu cá, trong đó gần 1.000 tàu từ 90 CV trở lên, thuộc diện bắt buộc mua bảo hiểm. Tuy nhiên, mỗi năm các công ty bảo hiểm chỉ chi trả vài vụ tàu cá lấy lệ, còn đa số bị từ chối với đủ lý do.

Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình cho biết, các tàu cá xa bờ được Nhà nước hỗ trợ 50% bảo hiểm. Thông thường thủ tục bảo hiểm tàu cá hoàn tất, chuyển sang Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sau đó chi cục này chuyển lên hội đồng do Sở NN&PTNT chủ trì xem xét. Nếu đủ điều kiện thì Sở NN&PTNT chuyển lên UBND tỉnh ra quyết định và Kho bạc Nhà nước chuyển tiền trực tiếp về cho công ty bảo hiểm.

Tác giả: Quốc Nam

Nguồn tin: Báo Một thế giới

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP