Tàu cá Trung Quốc đánh bắt phi pháp gần đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa
Theo ghi nhận mới nhất của tờ South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông), ngư dân tại đảo Hải Nam đang cấp tập chuẩn bị lương thực và tàu cá vỏ thép cho đợt ra khơi “bình thường”. Một số người ngang nhiên nói họ có kế hoạch đánh bắt ở vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền VN) trong thời gian một tháng rưỡi.
Khi được hỏi về phán quyết của Tòa trọng tài thường trực LHQ (PCA) ngày 12.7 bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên tại các vùng biển bị gom vào đường lưỡi bò, ngư dân Hải Nam lớn tiếng tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết và đánh bắt “như thường lệ”.
Tương tự, theo CNA, ngư dân Đài Loan đang lên kế hoạch đến Ba Bình, đảo lớn nhất của Trường Sa nhưng bị Đài Bắc chiếm đóng phi pháp, để bảo vệ cái gọi là “chủ quyền và quyền lợi đánh bắt”. Trước đó, Đài Loan cũng đã phản đối nội dung phán quyết của PCA liên quan tới đảo Ba Bình nhưng chính quyền lãnh đạo Thái Anh Văn không đề cập đường lưỡi bò. Một số nguồn tin từ Đài Bắc tiết lộ chính quyền không muốn bị xem là đồng quan điểm với đại lục về Biển Đông.
Được “bảo kê”
Trong mấy ngày qua, truyền thông Trung Quốc liên tục kích động ngư dân ra Trường Sa đánh bắt nhằm phản ứng với phán quyết. Tân Văn xã tuyên truyền rằng ngư dân ở trấn Đàm Môn thuộc Hải Nam “sinh hoạt bình thường, không hề bị ảnh hưởng”. Theo hãng tin này, đã có tàu cá Quỳnh Hải 02019 cùng 14 thuyền viên hôm 13.7 khởi hành từ Đàm Môn để đến hoạt động phi pháp tại vùng biển xung quanh cụm Sinh Tồn thuộc Trường Sa.
SCMP dẫn lời thuyền trưởng tàu cá Quỳnh Hải 05067 Phúc Trung Chánh tuyên bố sẽ trở lại Biển Đông vào ngày 3.8 và tỏ ra rất tự tin về an ninh của những bãi đá Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp và đưa binh sĩ đến chiếm đóng. “Đúng là đánh bắt ở vùng biển xung quanh Nam Sa (cách Trung Quốc gọi Trường Sa - NV) có rủi ro, nhưng chúng tôi đánh bắt không xa nơi binh sĩ đóng trú. Trong trường hợp có chuyện, chúng tôi sẽ gửi tín hiệu cầu cứu và họ sẽ đến ngay lập tức. Không có vấn đề gì cả”, ông này khẳng định.
Trong khi đó, Lực lượng tuần duyên Đài Loan ngày 16.7 tiếp tục có hành động xâm phạm Trường Sa khi điều tàu tuần tra 1.000 tấn đến đảo Ba Bình để “bảo vệ ngư dân”, theo tờ China Times. Ngoài tàu này, xung quanh Ba Bình đang hiện diện một tàu hộ vệ do Đài Bắc triển khai phi pháp ngay sau phán quyết.
Hôm qua 17.7, CNA dẫn lời Chủ tịch Từ Hân Oánh của Quốc dân đảng, vốn bị cho là có quan điểm thân Bắc Kinh, lớn tiếng kêu gọi lãnh đạo Thái Anh Văn không để ngư dân “chiến đấu một mình” và đưa lính thủy đánh bộ ra Ba Bình.
Ngư dân Philippines hiện vẫn chưa thể tiếp cận bãi cạn Scarborough
Trong phán quyết hôm 12.7, PCA cũng quy định ngư dân Philippines lẫn Trung Quốc đều có quyền đánh bắt trong khu vực 12 hải lý xung quanh bãi cạn Scarborough và hai bên không được phép cản trở lẫn nhau. Tuy nhiên, truyền thông Philippines dẫn các nguồn tin tại chỗ cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn phong tỏa khu vực Scarborough, ngăn chặn tàu cá Philippines tiếp cận.
Những hành động bất chấp phán quyết của Trung Quốc đang khiến nhiều bên lo ngại về phản ứng khó lường của nước này. Mới đây, Indonesia thông báo kế hoạch bố trí 400 tàu cá 30 tấn đến nhóm đảo Natuna, vốn cũng bị đưa vào đường lưỡi bò, để bảo vệ chủ quyền, theo Reuters.
“Công cụ” của Bắc Kinh
Lâu nay, Trung Quốc đã thường xuyên sử dụng ngư dân làm lực lượng tiên phong gây bất ổn ở Hoàng Sa và Trường Sa với chủ lực được cho là xuất phát từ Đàm Môn. Dân số thị trấn này chưa tới 30.000 người nhưng có đến 8.500 ngư dân và 300 tàu cá hoạt động ở Trường Sa, theo chuyên san The National Interest. Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bất ngờ thăm Đàm Môn và sau đó chính quyền ra sức trợ cấp cho ngư dân xây dựng lực lượng.
Hiện tại đây có 27 tàu cá vỏ thép 500 tấn, tầm hoạt động tối thiểu 2.000 hải lý, trang bị hệ thống liên lạc và vệ tinh hiện đại. Bên cạnh khai thác vô tội vạ tài nguyên ở Biển Đông, đe dọa hệ sinh thái môi trường biển, đội tàu cá này còn vô cùng hung hăng mỗi khi bắt tay với lực lượng hải cảnh đe dọa, xua đuổi và tấn công tàu nước khác.
Đội tàu cá Đam Châu của Trung Quốc trong chiến dịch hoạt động phi pháp ở Trường Sa năm 2013
Ngoài ra, nhiều ngư dân Hải Nam cho tờ The Straits Times hay chính quyền trợ cấp nhiên liệu để họ bám riết lấy Trường Sa nhằm duy trì hiện diện phi pháp. “Chúng tôi sẽ không đến đó nếu chính quyền không trợ cấp hơn 100.000 nhân dân tệ (335 triệu đồng)/chuyến và chúng tôi chỉ được nhận tiền nếu cam kết đi ít nhất 4 chuyến/năm. Chúng tôi không kiếm lợi từ việc đánh bắt”, một thuyền trưởng ở Hải Nam tiết lộ.
Từ đó, chuyên gia Trương Hoành Châu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định với tờ The Washington Post: “Giới chức Trung Quốc xem ngư dân và tàu cá là công cụ quan trọng trong việc mở rộng hiện diện cùng tuyên bố chủ quyền ở vùng tranh chấp”.
Một lực lượng khác không kém phần nguy hiểm ở Đàm Môn là dân quân biển với 12 tàu vỏ thép vũ trang cỡ lớn. Thành viên được huấn luyện quân sự và tham gia tập trận bắn đạn thật, theo The National Interest. Dân quân biển Đàm Môn lâu nay chuyên chuyển hàng tiếp tế, vật liệu xây dựng đến các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa, Trường Sa và cả Scarborough.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, giáo sư về an ninh và chính trị Đông Nam Á thuộc Trường Chiến tranh quốc gia (Mỹ) Zachary Abuza cho rằng sau khi PCA đưa ra phán quyết, dân quân biển sẽ là một công cụ mũi nhọn để Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình trên Biển Đông.
Lào lên tiếng về Biển Đông Theo TTXVN |
Tác giả bài viết: Văn Khoa