Từ ngày 1/7, lương cơ sở của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được tăng từ mức 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng. Theo đó, có 9 nhóm đối tượng được thụ hưởng từ chính sách này.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, việc tăng lương cơ sở thêm 7% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dung CPI. |
Liệu mức tăng lương cơ sở này có khiến giá cả leo thang và tác động của nó như thế nào lên thị trường?
Trao đổi với PV Infonet, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, với điều kiện hiện nay của vấn đề tiêu dùng thì khó có chuyện “té nước theo mưa”, giá không thể vì tăng lương mà tăng theo.
“Yếu tố quan trọng để tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI là vấn đề cung - cầu. Còn yếu tố tâm lý không ảnh hưởng nhiều, vì vậy dù các bà tiểu thương có lợi dụng thông tin tăng lương cơ bản để tăng giá thì cũng không bán được hàng khi hiện nay hàng hóa vẫn dồi dào, lương thực thực phẩm hiện nay giá còn đi xuống. Thậm chí, việc tăng lương cơ bản được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy cho tăng trưởng”, chuyên gia Lưu Bích Hồ cho biết thêm.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, việc tăng lương cơ sở 7% là tin tốt cho những người nhận lương, đồng thời cũng là tin tích cực phát triển kinh tế vì khi lương tăng người nhận lương sẽ có thêm năng lực thanh toán, làm tăng tổng cầu của xã hội, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế tốt.
“Thường người ta hay có mặc định tăng lương là tăng giá, đấy là tư duy của cách đây khoảng 20 năm, thời kỳ đầu đổi mới, những năm chúng ta phải vật lộn với thời kỳ giá nhảy từ bao cấp sang thị trường, cũng như gắn với khó khăn của cấm vận, ít hàng….”, ông Phong nói.
Theo vị chuyên gia kinh tế này, trong 3 năm gần đây và tương lai thì câu chuyện tăng lương tăng giá sẽ ít xảy ra, thậm chí không xảy ra lớn với các lý do: Thứ nhất, mức tăng 7% lương không phải quá cao trong những đợt tăng lương từ trước đến nay. Thứ hai, việc tăng lương không phải đồng loạt xã hội mà chỉ ở một số bộ phận. Quan trọng nhất là hàng nhiều, người mua thì ít, sự cạnh tranh mạnh mẽ, nguồn nhập từ nước ngoài hay hàng thay thế rất phong phú, người mua cũng thận trọng hơn, không dễ dàng mua dự trữ hay mua theo kiểu sợ hết hàng.
“Tuy nhiên, vẫn có sự dịch chuyển chi phí từ tiền lương vào trong giá cả. Lần này tăng lương chủ yếu là cán bộ công chức, viên chức, người về hưu; mức lương tối thiểu vùng mới ảnh hưởng và phải chờ năm sau. Đợt tăng lương từ tháng 7 này không ảnh hưởng nhiều đến tăng giá, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang phải giải cứu nhiều loại thực phẩm, trong bối cảnh người dân vẫn chưa có nhiều đột biến về thu nhập”, ông Phong cho hay.
Ông Phong cũng cho rằng, mặc dù các tư thương rất nhạy bén sẽ tìm mọi cách để tăng giá, nhưng chuyện tăng lương dẫn đến tăng giá của năm nay là không đáng kể, tư thương không thể vịn vào đó để tăng giá được. Có chăng, tăng tiền điện, tăng giá xăng dầu thì câu chuyện “té nước theo mưa” của tư thương sẽ thuận hơn và mạnh hơn. Điều này cho thấy, các đợt tăng lương gần đây đã rút kinh nghiệm, không tăng đồng loạt tất cả các vùng, các đối tượng, các lĩnh vực mà chia cắt nhỏ để không ảnh hưởng, góp phần giảm thiểu tác động của lương tới giá cả.