Trong nước

TAND TP.HCM sẽ theo sát vụ ‘bắt cô gái do đụng ô tô’

Chiều 4-1, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ Phòng Tham mưu Công an TP.HCM (PV11) tìm hiểu về vụ án có dấu hiệu oan của nữ công nhân 23 tuổi Thạch Thị Bé Trúc ở huyện Củ Chi.

Vụ bắt cô gái do đụng ô tô: Tạm giam sai luật!
Cô gái đi xe máy bị bắt do... đụng ô tô?

Trước đó, lãnh đạo Công an huyện Củ Chi cho biết đã báo cáo vụ việc lên PV11 và đề nghị chúng tôi tới PV11 tìm hiểu. Tuy nhiên, điều bất ngờ là PV11 cho biết chưa nhận được báo cáo của Công an huyện Củ Chi.

Trong khi đó, ông Trần Kiến Xương (Chánh Văn phòng, người phát ngôn của VKSND TP.HCM) cho biết VKSND TP sẽ nhanh chóng kiểm tra vụ việc và thông tin cho chúng tôi trong thời gian sớm nhất. Ông Phạm Lương Toản (Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) cũng cho biết đã nắm được thông tin mà Pháp Luật TP.HCM phản ánh. “Hiện chúng tôi đã chỉ đạo TAND Củ Chi báo cáo, trả hồ sơ yêu cầu làm rõ vụ việc và sẽ đặc biệt quan tâm, theo sát vụ án này” - ông Toản nhấn mạnh.


Trúc (trái) cùng hai con nhỏ khi còn được tại ngoại. (Ảnh do gia đình Trúc cung cấp)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi khởi tố Trúc về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (tháng 8-2015), Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi cho Trúc tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau khi CQĐT có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang VKSND huyện Củ Chi đề nghị truy tố, Trúc vẫn được tại ngoại. Tuy nhiên, sau khi VKSND huyện đã có cáo trạng truy tố (tháng 2-2016), đến ngày 27-3-2016, Trúc bất ngờ bị bắt tạm giam. Thời điểm đó, con út của Trúc chưa đầy ba tuổi (cháu sinh ngày 25-6-2013).

Trao đổi, luật sư Thân Trung Đại (Đoàn Luật sư TP.HCM, người nhận lời bào chữa miễn phí cho Trúc) khẳng định việc tạm giam Trúc là sai luật. Bởi lẽ theo khoản 2 Điều 88 BLTTHS, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau: Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử; bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Ở đây, Trúc không bỏ trốn, không bị truy nã. Trúc không tiếp tục phạm tội, không cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc xét xử. Trúc cũng không phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Như vậy, việc tạm giam Trúc trong trường hợp này là không đúng quy định.

Luật sư Đại cũng cho biết sau khi được tham gia tố tụng (ông đã đến TAND huyện Củ Chi làm thủ tục vào chiều 3-1), việc đầu tiên ông sẽ làm là đề nghị cơ quan tố tụng cho Trúc được tại ngoại để về chăm sóc con nhỏ và đoàn tụ với gia đình khi ngày tết truyền thống của dân tộc đã cận kề.

Trong một diễn biến khác, hai ngày qua, rất nhiều luật sư đã liên hệ nhờ chúng tôi giới thiệu với gia đình Trúc, ngỏ ý sẵn sàng hỗ trợ pháp lý miễn phí cho Trúc vì thấy cô có hoàn cảnh tội nghiệp, có dấu hiệu bị oan. Ông Thạch Thành Danh (cha của Trúc) cho biết gia đình rất cảm kích trước sự quan tâm, chia sẻ của mọi người và mong rằng vụ án của Trúc sẽ được xử lý một cách công minh, công bằng.

Tác giả bài viết: Lệ Trinh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP