Giải trí

Tấn Hoàng: 'Nghệ sĩ lấy nhiều vợ thì dễ, một vợ mới khó'

Cuộc tình chung thủy 35 năm bên vợ là động lực giúp diễn viên kỳ cựu vượt qua khó khăn, giữ đam mê với nghề.

Ở tuổi ngoài 50, gần đây vì sao anh tham gia nhiều chương trình ca hát bên các nghệ sĩ trẻ?

- Lúc đầu tôi đắn đo vì đã qua thời tuổi trẻ, ngại phải hơn thua ở các cuộc thi. Tôi cũng có suy nghĩ giống các diễn viên đàn anh như Thành Lộc, Hữu Châu: "Nghệ sĩ tham gia game show quá nhiều là tự 'giết' bản thân". Bởi có lúc họ không làm đúng chuyên môn mà làm một việc khác, phục vụ cho lợi ích của các nhà sản xuất.

Tôi chọn lọc chương trình có tính giáo dục và thẩm mỹ cao để tham gia. Quan trọng cuộc thi đó phải sát với nghề của tôi - biểu diễn phục vụ khán giả. Ngoài ra, tôi kiếm thêm tiền để lo cuộc sống gia đình. Tôi đang tiết kiệm mua một căn hộ đàng hoàng cho con cháu. Tuổi này, tôi và vợ còn ở nhà thuê chứ chưa có được căn nhà tử tế. Tôi muốn "cày" kiếm tiền để lo cho các con sống tốt hơn.

Nghệ sĩ Tấn Hoàng.


- Mối duyên nào khiến anh lấy vợ từ năm 18 tuổi và gắn bó với bạn đời hơn 30 năm qua?

- Trong cuộc sống, tôi thích gì là làm đó không tính toán nhiều. Chuyện kết hôn cũng vậy. Vợ tôi là hàng xóm cách nhà tôi ba, bốn căn. Bà ấy lớn hơn tôi hai tuổi và tôi gọi bằng "chị". Ai ngờ duyên nợ khiến chúng tôi xích lại gần nhau.

Khi tôi ngỏ lời cưới bà ấy, bố vợ phản đối. Bà xã bị gia đình cắt tóc, xé quần áo, đuổi ra khỏi nhà. Lúc cưới, tôi 18 tuổi tay trắng, vậy mà vợ bỏ nhà theo tôi. Tôi hứa với lòng phải có sự nghiệp đàng hoàng, lo cho vợ cuộc sống đầy đủ. Đến năm 30 tuổi, tôi đã sống được bằng nghề diễn xuất. Thời đó, một ngày tôi chạy 13 điểm diễn trong công viên. Vợ chồng tôi bên nhau gần 35 năm và lúc nào cũng thấy "mới" trong mắt nhau. Bà xã sinh cho tôi hai người con, một trai, một gái. Giờ chúng tôi có thêm sáu đứa cháu nội ngoại.

- Vợ tiếp sức cho anh thế nào trong hoạt động nghệ thuật?

- Từ ngày sống chung, bà ấy chưa bao giờ đi nghe tôi hát, hay xem tôi diễn. Trước đây, có thời bà ấy mê giọng hát tôi, còn giờ bà ấy chuyển sang mê phim Hàn Quốc (cười). Tôi cũng không hiểu vì sao lại yêu bà ấy đến thế. Vợ tôi lạ lắm, mắc chứng bệnh không ngủ được về đêm. Nhiều lần tôi tỉnh giấc thấy vợ mắt ráo hoảnh xem tivi, gần sáng mới chợp mắt. Vợ cũng không biết nấu ăn đàng hoàng, lại bị dị ứng với cá, tôm, cua còn tôi thì ngược lại. Chuyện bếp núc tôi tự lo. Tôi luôn chuẩn bị bữa cơm cho gia đình trước khi đi diễn. Vậy mà nhiều lúc về nhà ăn chén cơm nguội, ở bên vợ con tôi thấy hạnh phúc.

- Vợ anh là nội trợ, còn anh là nghệ sĩ hoạt động sôi nổi, tiếp xúc nhiều người. Làm thế nào cả hai giữ gìn tình cảm dài lâu?

- Tôi luôn coi trọng sự chung thủy. Nghệ sĩ thường may mắn được nhiều người yêu thương nhưng tôi thích nhìn người đẹp chứ chưa bao giờ rung động với ai ngoài vợ mình. Theo tôi, nghệ sĩ lấy nhiều vợ thì dễ lắm, lấy một vợ mới khó. Tôi thích làm những điều khó hơn. Bà xã hiểu con người tôi nên bà ấy để tôi tự do ra ngoài. Bà hay nói với mấy đứa con: "Bố chúng mày tính cà rỡn vậy chứ nhát gan lắm. Cô nào phải lòng ổng là xui đó".

Nghĩ lại tôi có lỗi với vợ vì chưa lo cho vợ một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn. Mấy năm nay, tôi hứa mua cho bà ấy chiếc điện thoại mới mà vẫn chưa mua được. Hễ có tiền là tôi lại dồn cho con trả tiền nhà, cho các cháu ăn học.

- Với con cái anh là người bố như thế nào?


- Tôi biết mình quá che chắn cho các con, làm chúng ỷ lại. Tôi nghĩ tại tôi và vợ cưới nhau rồi quyết định sinh ra chúng trên cõi đời này nên phải có trách nhiệm lo lắng cho chúng. Nhưng đồng thời, tôi cũng là người bố khó tính, luôn dặn con dù nghèo vẫn phải sống cho đàng hoàng, không tranh giành, cướp giật của ai. Hơn 30 năm theo nghề tôi chưa bao giờ làm việc gì có lỗi với lương tâm, với đồng nghiệp, có "rách" cũng sống cho "thơm".

Ca sĩ Thanh Hà (phải) khen ngợi Tấn Hoàng trên sân khấu cuộc thi "Tình Bolero 2016". Sau cuộc thi này, nghệ sĩ hài được khán giả biết đến và yêu thích nhiều hơn.


- Hiện tại, còn điều gì trong cuộc sống làm anh lo lắng?

- Tôi phát hiện mình bị căn bệnh gan từ vài năm trước. Ngày xưa, khi theo đoàn hát cải lương tôi uống nhiều rượu quá nên tổn hại sức khỏe. Giờ tôi mong mình có đủ sức để làm việc, vừa thỏa đam mê nghề nghiệp vừa lo cho gia đình. Tôi mơ ước dựng được vở diễn có nội dung nói về luật nhân quả trong cuộc sống. Tôi mong các diễn viên thế hệ sau biết trân trọng khán giả hơn nữa. Khán giả bỏ tiền đến chương trình mà mình diễn kiểu bỡn cợt là coi thường và có lỗi với họ. Dù cần tiền để trang trải cuộc sống, ở tuổi này tôi hiểu rằng ở đích đến của đời người tiền bạc rốt cuộc là con số không. Đôi lúc tôi đùa từ "tiền bạc" đến "tiền tệ" rất gần nhau. Bởi đồng tiền nó "tệ bạc" lắm.

- Có thâm niên trong làng diễn xuất nhưng tên tuổi Tấn Hoàng không phải ai cũng biết, theo anh vì sao?

- Tôi rất sợ sự nổi tiếng vì nó khiến cho người nghệ sĩ dễ tự mãn. Có tên tuổi chút, cuộc sống sẽ xáo trộn, vợ chồng, đồng nghiệp soi mói nhau hơn, dễ "rã đám". Tính tôi không hơn thua, nhiều lúc bị giành vai tôi cũng nhường luôn. Với tôi được đi diễn và sống lâu với nghề là may mắn rồi. Người ta chỉ sống được một cuộc đời, hư danh rồi cuối cùng cũng tan theo mây khói. Tôi chỉ mong khán giả không quay lưng với mình.

Video: Tấn Hoàng hát "Xót xa"


- Xuất phát từ sân khấu cải lương, tại sao anh lại chuyển sang tấu hài?

- Ngày xưa, thường trước giờ diễn chính, đoàn có tiết mục tấu hài, tôi hay diễn với Giang Thảo. Tôi diễn có duyên nên được khán giả biết đến nhiều hơn là đi hát cải lương. Tôi có đến 25 năm đi tấu hài, lập nhóm lần lượt với các nghệ sĩ như Văn Chung, Kim Ngọc, Duy Phương, Bảo Chung. Suốt mấy chục năm đó, tôi sống nhờ tấu hài, tiền bạc rủng rỉnh hơn. Đến khi thể loại này thoái trào, tôi mới về đầu quân cho Kịch Sài Gòn, diễn các vở dài. Thầy tôi chính là cuộc đời, là ông xe ôm, bà bán vé số, người quét rác… Tôi đưa những chuyện thế thái nhân tình vào vở diễn để truyền tải các thông điệp trong cuộc sống.

- Sinh trưởng trong gia đình không ai theo nghệ thuật, vì sao anh chọn làm diễn viên?

- Gia đình tôi vốn rất giàu có. Tôi là con thứ sáu trong nhà có tám anh chị em. Cha tôi là kỹ sư điện máy rất giỏi nghề. Ông từng làm công trình ráp dây chuyền thực phẩm gia súc, ngũ cốc cho hầu hết nhà máy từ Nam ra Bắc. Các anh chị em đều theo nghề cha, riêng tôi không biết sao lại mê cải lương từ nhỏ. Năm 17 tuổi, tôi bỏ học đi theo đoàn hát. Cha tôi nói theo nghề xướng ca không có tương lai nên kêu mẹ và chị tôi xuống Sóc Trăng bắt tôi về. Lúc đó, tôi đang sốt nặng. Tôi khóc, mẹ cũng khóc. Nghệ sĩ Diệp Lang nói với mẹ tôi: "Nó yêu nghề quá, chị cứ về đi, có gì đoàn sẽ lo cho nó". Hai người mà tôi học được cách diễn từ lúc vào nghề là nghệ sĩ Diệp Lang và diễn viên Tư Rọm.

Tác giả bài viết: Tâm Giao

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP