Thế giới

Tâm tư của người Việt tại Nga những ngày đầu năm mới

Cảnh mua bán cho năm mới của người Việt tại Mátxcơva khá ảm đạm, nhưng ai cũng hi vọng năm Đinh Dậu 2017 này sẽ mang lại nhiều may mắn hơn năm cũ.

Khi chợ vắng khách…
Năm con Khỉ sắp qua, năm con Gà sắp tới, nhưng trong lòng người Việt tại Nga nơi đây vẫn bộn bề bao lo lắng. Mấy ngày nay thời tiết Nga trở nên rét đậm, nhiệt độ xuống tới âm 27-30 độ C. Cái giá lạnh càng làm cho cảnh mua bán ảm đạm hơn. Không chỉ thế, đầu năm mới nên dân Nga đi chợ càng thưa thớt, vì hầu như họ đã mua sắm từ trong Tết dương lịch. Nhưng trong tâm trí của mọi người ai cũng hi vọng năm Đinh Dậu 2017 này sẽ mang lại nhiều may mắn hơn năm cũ.

Người Việt trước đây vào những năm 90, đầu 2000 và hiện nay tại Mátxcơva chủ yếu là tiểu thương. Họ hiện giờ chỉ tập trung nhiều ở hai khu chợ lớn nhất Mátxcơva vẫn là chợ Chim (TTTM Sadovod) và chợ Liu (TTTM Mátxcơva) Bởi nơi đây là hình ảnh xưa cũ của chợ Vòm (chợ Cherekidov) sầm uất và vang bóng một thời, bị đóng cửa vào tháng 7/2009 vì những sai phạm trong kinh doanh.

Ngoài hai khu vực này, vài khu chợ có đông người Việt còn duy trì là chợ km 41, Dubrovka, Kim Sơn… Ước tính số người Việt tại Mátxcơva hiện nay vào khoảng 10.000 người, thấp hơn nhiều so với những năm 90, đầu 2000 trở về trước. Lý do là bà con đã về nước khá nhiều.

Sự lên xuống thất thường của đồng rúp so với đồng USD cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc mưu sinh. Mấy năm trước khủng hoảng đồng rúp ổn định khi ở mức từ 3.000-3.200 rúp/100 USD. Sau đó, đồng rúp mất giá thảm hại, có thời điểm ở mức từ 7.000-8.000 rúp/100 USD. Nhưng gần đây do giá dầu quốc tế tăng đến 55,47 USD/1 thùng và các biện pháp của Nga nên đồng rúp cũng nhờ đó hiện nay tạm thời duy trì ở mức 6.200-6.300 rúp/100 USD. Việc đồng rúp không ổn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà con người Việt.

Các mặt hàng kinh doanh vải vóc, áo quần của người Việt Nam sản xuất tại Nga, do các xưởng may người Việt cung cấp, có giá phải chăng, phù hợp túi tiền của người lao động Nga. Mẫu mã cũng bắt mắt nên dễ được chấp nhận. Tuy nhiên, mặt hàng của Trung Quốc lại có phần lấn át của người Việt và đó là điều các tiểu thương phải suy ngẫm.

Gần đây, chính quyền Nga quyết định hỗ trợ mặt bằng cho những doanh nghiệp Việt Nam từ trong nước sang đầu tư sản xuất kinh doanh, nên sự cạnh tranh giữa nhà sản xuất Việt Nam tại Nga có từ trước với những nhà sản xuất Việt Nam mới đưa sang là khó tránh khỏi. Dù sao mọi người cũng hiểu rằng phải tạo nên một thương hiệu Việt Nam tại bản địa có uy tín trong mắt người Nga.

Bên ngoài chợ Liu (TTTM Mátxcơva)
Hàng hóa sẵn có nhưng cảnh bán buôn càng ảm đạm. Hiện tượng ế ẩm quanh năm là bài toán nhức đầu nhất của đa số bà con. Có lẽ do lượng người bán quá nhiều, còn khách mua không tăng. Ngay giá cả thuê quầy ở hai khu chợ trung tâm của Mátxcơva này cũng khác nhau. Chợ Chim (trung tâm thương mại Sadovod) giá quầy dao động từ 150- 300 rúp/ngàn rúp tháng (khoảng 2.400-4.800 USD). Còn bên chợ Liu (trung tâm thương mại Mátxcơva) vào khoảng từ 300-500 ngàn rúp/tháng (khoảng 4.800-8000 USD) và còn có chiều hướng sẽ tăng thêm. Tính ra, mộtchủ quầy bán hàng mỗi ngày phải lo tiền thuế, tiền thuê quầy, thuê nhân viên người địa phương, thuê nhà ở, tiền sinh hoạt, con cái học hành, ăn ở đi lại.

Phần lớn tiểu thương người Việt đi thuê nhà. Số gia đình mua căn hộ từ trước tại Mátxcơva để sinh hoạt cũng không nhiều lắm. Tuy nhiên, hiện nay với điều kiện kinh tế của một số ít gia đình, cùng việc học hành của con cái hoặc vì mưu sinh lâu dài tại Nga, nhiều người đã chấp nhận mang tài sản cóp nhặt từ trước và vay mượn thêm để mua nhà ở tại Mátxcơva.

Tình hình nước Nga đang có nhiều biến động về chính trị lẫn kinh tế. Người Việt Nam sống trong môi trường này hình như đã quá quen với điều đó. Nhiều người đã trở về nước, nhưng nhiều người không thể hoặc chưa thể về quê. Phần vì con cái học hành, phần đã quen hơi bén tiếng với cuộc sống lâu ngày tại Nga, phần vì cơm áo gạo tiền (nhiều người biết trở về nước sẽ còn vất vả khi kiếm công ăn việc làm sau bao năm xa quê) nên dù khó khăn vất vả là thế, họ vẫn khó mà dứt áo trở về. Ở lại là đối mặt với những khó khăn thách thức, nhưng họ phải chấp nhận.

Dẫu biết khó khăn là thế nhưng mỗi bà con người Việt tại Nga luôn hi vọng năm Đinh Dậu mọi điều sáng sủa, mua may bán đắt hơn năm cũ. Họ tin vào nước Nga, tin rằng dù gặp nhiều trở ngại nhưng nước này sẽ vượt qua.

Tác giả bài viết: Võ Hoài Nam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP