Anh Phạm Hồng Minh (sinh năm 1984, quê Hà Tĩnh) đã chia sẻ như vậy và đây là sáng kiến để giúp những người có cùng hoàn cảnh với mình.
Trước ngày tôn vinh 100 tấm gương hiến máu tiêu biểu cả nước diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, tôi đã vô tình gặp lại anh Phạm Hồng Minh – Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ nhóm máu hiếm Miền Trung.
Anh Phạm Hồng Minh – Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ nhóm máu hiếm Miền Trung. |
Lần gặp này, tôi hơi thắc mắc vì trên cổ anh đeo tới hai dây xích màu bạc. Dường như hiểu ý tôi, anh móc sợi dây nhỏ dơ lên khoe, đây là sáng kiến mới của câu lạc bộ mình đấy.
Anh cho biết, trên chiếc dây này có một tấm thẻ I-nốc hình chữ nhật. Tất cả mọi thông tin về cá nhân (những người máu hiếm) của chúng tôi đều được ghi trên đó.
Tên tuổi, ngày tháng năm sinh, nhóm máu và đặc biệt là số điện thoại của người thân trong gia đình được khắc ở trên tấm I-nốc này.
Giải thích về chiếc dây độc đáo này, anh Minh chia sẻ, nhiều người mang trong mình dòng máu hiếm nhưng không hề biết. Chỉ đến khi xảy ra chuyện (sinh đẻ, tai nạn…), đưa vào bệnh viện xét nghiệm mới biết mình mang dòng máu hiếm.
Đã không ít ca bệnh tử vong vì người cho máu nhận thông tin quá muộn hoặc không thể đến kịp.
Chiếc dây đeo cổ này được xem là tấm bùa hộ mệnh cho những người máu hiếm trong câu lạc bộ của anh Minh |
"Đến thời điểm này, chúng tôi đã phát khoảng hơn 100 chiếc dây đeo cổ này cho thành viên trong câu lạc bộ máu hiếm. Sắp tới đây, chúng tôi đang định thiết kể một chiếc thẻ kiểu như Card visit để phát cho tất cả những người nhóm máu hiếm ở Miền Trung. Con số thống kê qua nhóm mới hơn 300 người" – anh Minh cho hay.
Được biết, với 17 lần hiến máu tình nguyện, anh Minh là đại diện duy nhất của tỉnh Hà Tĩnh được tôn vinh toàn quốc trong năm 2018. Anh là người có đóng góp rất lớn trong hoạt động hiến máu cứu người ở Hà Tĩnh nhưng đây mới chỉ là lần đầu được vinh danh.
Chắc hẳn, nhiều người vẫn quên câu chuyện hai cán bộ ở Quảng Bình lặn lội giữa đêm khuya, vượt 200km ra Hà Tĩnh để cứu người cách đây ít tháng.
Nhớ lại câu chuyện này, anh Phạm Hồng Minh kể: “hôm đó, phía Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh gọi cho tôi khá muộn. Nhưng bằng tất cả tâm huyết, tình người, tôi vẫn cố gắng liên lạc bằng được hai thành viên ở Quảng Bình trong Câu lạc bộ nhóm máu hiếm để thuyết phục họ ra bằng được. Trong câu lạc bộ chúng tôi vẫn thường giúp nhau kiểu như vậy, bất kỳ lúc có thành viên ở tỉnh khác điện thoại ở chỗ mình có ca cấp cứu cần máu thì ai có nhóm máu phù hợp cũng sẵn sàng đi xa để cứu người.”
Tác giả: Thế Công
Nguồn tin: Báo Tổ quốc