Giáo dục

Sửa đổi Thông tư 30: Các nhà quản lí giáo dục nói gì?

Nhà quản lí – là một trong những khâu trung gian để tư tưởng, tinh thần của Thông tư 30 đến được với giáo viên, học sinh. Họ có hiểu và quán triệt tinh thần nhân văn của Thông tư 30 có tốt thì người thực hiện mới thực sự hứng khởi.


suadoithongtu30cacnhaquanligiaoducnoigi
Nhận xét học sinh: Phải có thống nhất chung toàn ngành

Khi nghe về lần điều chỉnh này, bà Trần Thị Ngọc Lan, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đằng Lâm (Hải An - Hải Phòng) cho biết, đã nhìn nhận về một vài điểm mới.

Thứ nhất, về hồ sơ giáo viên, tất cả những cán bộ quản lý, đặc biệt là những hiệu phó đều phải đối mặt trực tiếp với giáo viên, họ sẽ hỏi hồ sơ giáo viên như thế nào? Vậy giải quyết sổ theo dõi chất lượng giáo dục của giáo viên chủ nhiệm cũng như giáo viên bộ môn như thế nào?

Bà Lan cũng cho biết, với giáo viên bộ môn, lần điều chỉnh này giống với Thông tư 32, đó là tích và xếp mức A, B, C. Những năm trước bản thân bà Lan cũng là giáo viên đứng lớp và thực hiện Thông tư 32.

Còn điểm khác ở các môn thường xuyên đánh giá bằng điểm là A, B, C. Riêng lớp 4, lớp 5, có tăng thêm kiểm tra định kỳ giữa học kỳ I và học kỳ II. Về điểm này, bản thân bà Lan và trường rất nhất trí. Bởi với học sinh lớp 4, lớp 5 nên tăng lượng kiểm tra để chúng ta có thể kiểm tra tốt hơn.

Vấn đề học bạ, theo bà Lân nên làm mới học bạ với học sinh lớp 1 năm nay. Bà Lan cũng băn khoăn đối với vở viết của học sinh. Nếu năm nay giảm lượng đi thì có cần thiết phải ghi nhiều nhận xét vào trong vở học sinh nữa không?

Đối với khen thưởng. Điều chỉnh lần này hoàn toàn giống và phù hợp như trường Tiểu học Đằng Lâm đã triển khai. “Trường tôi cũng là một trong những trường thuộc dự án VNEN, trường đã làm sát về vấn đề này. Năm ngoái trường tôi có 2 mức khen thưởng: hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngoài ra có thể có khen một sự “bất thường” nào đó, dành cho những học sinh ở mức C nhưng các em có năng khiếu nổi trội ở một lĩnh vực nào đó. Theo tôi đây là một quan điểm rất nhân văn để khích lệ các em và giải quyết vấn đề mỗi học sinh chỉ có một giấy khen” bà Lan nêu quan điểm.

Bà Vũ Thị Thu Hạnh – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Mai, Q. Thanh Xuân, Hà Nội thì nhìn nhận, lần sửa đổi này rất hợp lý. Cụ thể, nếu như trước đây giáo viên khó khăn trong cách đánh giá, và hoàn toàn là định tính, trong sửa đổi lần này đã có sự định lượng giúp có căn cứ mức độ để đánh giá học sinh theo từng giai đoạn.

Vấn đề sổ sách cũng được giảm tải. Theo bà Hạnh, đây là những điểm rất hợp lý của việc điều chỉnh. Về phía phụ huynh, ở Thông tư 30 cũ không nắm được mức độ học lực của con vì hoàn toàn căn cứ vào những lời nhận xét của giáo viên.

Với số lượng học sinh trong lớp, không phải giáo viên nào cũng có thể nhận xét được hàng ngày, có thể có em được nhận xét, có em lại không được nhận xét. Những điều này khiến phụ huynh không nắm được lực học của con mình thường xuyên. Song theo thông tư mới điều chỉnh, khoảng 3 tháng học sinh được đánh giá một lần và có phiếu sẽ giúp phụ huynh rất nhiều trong việc theo dõi lực học của con em mình và phối hợp tốt hơn với giáo viên để giúp các em tiến bộ.

“Ngoài ra tôi cũng thấy vấn đề khen thưởng rất hợp lý. Lời nhận xét khen thưởng thống nhất sẽ thuận lợi hơn cho các nhà trường, các quận huyện có tiếng nói chung. Thông tư sẽ nhận được sự đồng thuận của giáo viên” bà Hạnh cho biết.

Còn đối với cô giáo Phạm Thị Kim Hương – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Vương, Thành phố Thái Nguyên cho biết, từ khi Thông tư 30 ra đời đã có những ưu điểm và nhược điểm, qua văn bản điều chỉnh cô giáo này đồng nhất ý kiến là sửa đổi Thông tư đã giải quyết được những phần khó khăn trong việc thực hiện Thông tư 30, đặc biệt là sổ sách đã giảm được rất nhiều. Đánh giá học sinh theo sửa đổi này cũng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này cũng có một vài góp ý như: nhận xét thường xuyên, bà Hương hoàn toàn nhất trí với sửa đổi Thông tư, và cũng băn khoăn về ký hiệu, nếu như đã đưa ra ký hiệu nhiều như vậy có thể sẽ khó khăn kiểu trăm hoa đua nở và sẽ gây tranh cãi. Để ghi vào vở của học sinh nên ghi Đúng, Sai cho ngắn gọn, và phải thống nhất chung ký hiệu cho toàn ngành, không để mỗi nơi một kiểu.

Tại Điều 15: Nghiệm thu bàn giao chất lượng học sinh; ở đây đối với học sinh lớp 1,2,3,4 bà Hương không có gì thắc mắc. Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 5 tổ chuyên môn ra đề vị hiệu trưởng này cũng nhất trí, nhưng khi tổ trưởng coi chấm bài và có cả giáo viên của trường THCS, trong thực tế cũng sẽ có khó khăn. Khó khăn sẽ liên quan tới giờ đứng lớp của giáo viên THCS và cách điều hành của giáo viên THCS cũng khác giáo viên tiểu học.

Thứ hai, việc tham gia chấm bài cũng có sự chưa được đồng nhất, giáo viên cấp 2 có nhiều phần không hiểu hết chuyên môn của Tiểu học. Ví dụ như tiếng Việt phần đọc hiểu làm khó cho giáo viên cấp THCS. Nếu chấm họ sẽ gặp khó khăn.

Cái “chết” của Thông tư 30 là tất cả vấn đề đều có nhận xét

Đồng quan điểm với một số ý kiến trên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận, Hà Nội thực hiện Thông tư 30 thấy thay đổi rất lớn so với thông tư 32. Nhưng nếu là giáo viên dạy từ những năm 90 trở lại đây thì thấy đánh giá học sinh tiểu học của chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn.

Thông tư 15 đánh giá điểm cộng chia trung bình, hạnh kiểm có tốt, khá có tốt, và cần cố gắng. Sau đó đến năm 2005 bắt đầu có quyết định 30 có sự thay đổi, lúc đó không phải xét loại hạnh kiểm tốt, cần cố gắng nữa mà đánh giá theo nhiệm vụ học sinh. Trong nhiệm vụ học sinh có phẩm chất và năng lực chứ không phải chỉ là hạnh kiểm, đạo đức. Và đến Thông tư 32 là một bước có thể nói gần như hoàn thiện.

Đến Thông tư 30 lại khác, bản chất khác là trước đây chấm điểm kết hợp với nhận xét, nhận xét xong phải cho điểm. Bây giờ nhận xét xong không cần cho điểm, rõ ràng bớt đi việc cho điểm.

“Chúng ta khẳng định là nếu chấm thì cũng vẫn phải có nhận xét, chí ít nếu môn Toán phải gạch chân bài sai. Tập làm văn phải có những lời nhận xét xem phần mở bài như thế nào, câu chữ ra sao, lỗi chính tả.

Tất cả những vấn đề đó chúng ta đều có nhận xét. Cái trách của Thông tư 30 là mỗi em mỗi tháng có 10 dòng, 50 em là 500 dòng, giáo viên chuyên biệt là 700 em, vậy có 7.000 dòng, đó là điểm chết của Thông tư 30. Phụ huynh đang quen với việc hỏi con hôm nay được mấy điểm, nhưng vài lần hỏi bảo không có điểm rồi sẽ quen không hỏi nữa, sẽ thay đổi hỏi hôm nay con học được cái gì? Làm được cái gì? Điều đó tốt hơn rất nhiều, và việc triển khai Thông tư 30 chúng ta thấy khó khăn bức xúc, dư luận xã hội” ông Tiến đặt câu hỏi.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, thực chất giáo viên phản ứng là vấn đề sổ sách, còn ở Hà Nội sở đã tuyên bố đừng có quan điểm “phủ xanh đất trống đồi núi trọc” bởi vì không phải có dòng là viết. Hãy viết những điều cần cho mình, cần cho giáo viên chủ nhiệm để nhớ. Ban giám hiệu và phòng giáo dục phải hiểu điều đó, tuy nhiên trên thực tế rất nhiều hiệu trưởng sợ phòng, giáo viên sợ hiệu trưởng nên vẫn phải viết. Và tốt nhất chép từ em nọ sang em kia cho nhanh.

“Với thông tư điều chỉnh lần này đã nói rất kỹ về mặt tư tưởng không khác gì Thông tư 30, về mặt đánh giá cũng vậy. Chỉ có điều đánh giá định kỳ bằng điểm số ở lớp 4,5 với Toán, Tiếng Việt thì có điểm kiểm tra định kỳ, giữa kỳ.

Quan điểm lớp 6 trẻ có điểm miệng, điểm 15 phút, thực hành, kiểm tra học kỳ. Vậy thì lớp 4,5 thêm 2 bài kiểm tra giữa kỳ, định kỳ để hình thành thói quen học để thi. Việc sửa này là phù hợp, làm giảm áp lực. Còn việc định lượng A,B,C chúng ta phải hiểu rằng đây không phải định lượng như cho điểm, mà là giao giữa định lượng và định tính để người đọc, và người nhận xét lượng hóa một cách tương đối.

Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn Thông tư này khi ban hành giáo viên vẫn rất mông lung. Ví dụ: phẩm chất sống yêu thương, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Những cái đó khi diễn giải ra rất dài và cụ thể. Vậy thì nên chăng nhóm tác giả, chuyên gia sẽ biên soạn một cuốn Hỏi - đáp giải thích tất cả vấn đề đó” ông Tiến góp ý.

Tác giả bài viết: Nhật Hồng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP