Giáo dục

Sự thật lớp học miền núi Nghệ An có 100% HS đỗ đại học: Lớp “chọn” ở thị trấn

Vừa qua, có nhiều báo phản ánh hiện tượng “Lớp học miền núi ở Nghệ An 100% học sinh đậu đại học”, lớp 12A trường THPT Thanh Chương 1 (Nghệ An) có 40 HS đều đậu ĐH nguyện vọng 1 với số điểm rất cao. Tuy nhiên, sự thực đây là lớp chọn được tổ chức trái quy định.

Một lớp học ở Nghệ An có 100% học sinh đậu Đại học!
Ảnh kỷ yếu của lớp có 100% học sinh đỗ ĐH ở Nghệ An

Trường THPT Thanh Chương I (nguồn: Internet)


Lớp 12A có 40 HS, đạt trung bình 25,39 điểm, có 6 em đạt trên 27 điểm trên 9 điểm/môn).

Ghi nhận sự xuất sắc, nỗ lực của HS và thầy cô, đồng thời cũng chân thành chúc mừng các em.

Tuy nhiên, nếu chỉ ngợi ca một chiều về hiện tượng này là không thỏa đáng.

Trước hết, khái niệm “lớp học miền núi” là không đúng bản chất.

Đây là trường đóng tại thị trấn Dùng, trung tâm hành chính - kinh tế của huyện Thanh Chương, người dân có điều kiện kinh tế khá, mặt bằng dân trí cao. Trường được đầu tư cơ sở vật chất tốt nhất so với các trường trong huyện.

Mặt khác, theo thông tin từ nhiều GV, phụ huynh huyện Thanh Chương, lớp 12A trường THPT Thanh Chương I là lớp “chọn”, và việc làm này thường xuyên diễn ra nhiều năm qua.

Vào đầu mỗi năm học, những HS có học lực xuất sắc nhất được tuyển chọn vào lớp “chọn”, thường là vài ba lớp, theo mức “chọn 1,2,3”. Lớp chọn chủ yếu tổ chức theo khối A-B-C, chủ lực vẫn là khối A.

Tại một số trường, con em GV, cán bộ hoặc doanh nghiệp có mối quan hệ đặc biệt sẽ được “đặc cách” vào các lớp này, dù điểm số chưa đạt. Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra ở rất nhiều trường trong toàn quốc.

Đương nhiên đội ngũ GV các lớp chọn cũng xuất sắc nhất, tập trung vào các môn chủ chốt như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ hoặc Ngữ văn...

Điều này thể hiện trong phát biểu của thầy Hiệu trưởng THPT Thanh Chương I Lê Xuân Hường: “Với môn khối A, các em đạt điểm cao nhất thì 3 thầy dạy lớp đó đều là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trong đó có những thầy là thủ khoa trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Phòng thí nghiệm thực hành, phòng học của các em lớp 12A được học sinh cũ trang bị cho một phòng đầy đủ tiện nghi”.

Mỗi khối có vài trăm HS, tuyển chọn được 40 em nổi trội nhất, được các thầy cô ưu tú nhất giảng dạy liên tục 3 năm. Ngoài ra, các em còn học thêm với chương trình nâng cao, tất cả các bài bản của nội dung thi ĐH đã được luyện tập thành thục. Vì vậy, nếu lớp này không đậu ĐH 100% mới là chuyện lạ.

Mặt tích cực của mô hình lớp chọn là phương pháp dạy học theo đối tượng; tạo điều kiện cho những HS có trí tuệ nổi bật phát huy khả năng.

Mặt trái của mô hình này là “bệnh thành tích” và thiếu nhân văn, không công bằng. Các trường, địa phương đều rất thích tổ chức lớp chọn, thậm chí cả trường THCS chuyên, vì thành tích của trường, của ngành đều trông vào đó.

Tuy nhiên, những HS trung bình, yếu kém càng tụt hậu vì được học với những bạn bè thiếu ý thức, thiếu đam mê học tập, và thầy cô cũng không xuất sắc bằng lớp “chọn”. Cùng là trường công lập, đóng học phí như nhau, nhưng có một nhóm nhỏ HS được ưu đãi hơn những em còn lại.

Những mâu thuẫn nói trên đã tồn tại nhiều năm, như một “định lý” không có lời giải; nên Bộ cấm thì cấm, lớp chọn vẫn được các trường tổ chức một cách phổ biến.

Không tổ chức lớp chọn Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (1996): “Không tổ chức lớp chọn ở các cấp học, không tổ chức trường chuyên ở cấp tiểu học và THCS, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao”. Sau đó, Bộ GD – ĐT cũng có quy định cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đăng Trung

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP