Vẫn luôn là "ngư ông đắc lợi"?
Người ta có thể nghe thấy tiếng thở phào nhẹ nhõm ở các thủ đô phương Tây vào tuần trước, khi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp được công bố.
Các nhà quan sát đã ca ngợi chiến thắng của chính khách trẻ Emmanuel Macron trước nữ ứng viên cực hữu Marine Le Pen là niềm vui cho cả châu Âu sau những sóng gió mà lục địa này phải đối mặt trong suốt một năm qua.
Truyền thông phương Tây hứng khởi ca ngợi chiến thắng của Macron. |
Một số nhà bình luận thậm chí còn trách móc một nhân vật không có tên trong lá phiếu: Tổng thống Nga Vladimir Putin, chỉ đơn giản ông là nhân vật mà bà Le Pen bày tỏ sự ngưỡng mộ.
Nhà lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc là người muốn thấy viễn cảnh Pháp rời khỏi cả Liên minh châu Âu (EU) và NATO.
Bà thường bị chỉ trích vì ca ngợi ông chủ Điện Kremlin và cũng phải đối mặt với cáo buộc có liên hệ tài chính mờ ám với Moscow như được phía Nga giúp đỡ phá hoại chiến dịch tranh cử của đối thủ Macron.
Hàng loạt trang bìa trên các tờ báo lớn của phương Tây ca ngợi chiến thắng của Macron nhưng không quên kèm theo dòng chữ “thất bại lớn của Putin” cùng những hình ảnh chế giễu thường thấy.
Nhưng theo cây bút kỳ cựu Christian Caryl của tờ Washington Post, mọi chuyện chưa phải là cái kết tồi tệ cho nhà lãnh đạo nước Nga. Tổng thống Putin vẫn nổi tiếng là một nhân vật đầy chiến lược. Đối với phương Tây, ông sẽ tiếp tục khai thác các điểm yếu để mang lại lợi ích cho nước Nga.
Về cuộc bầu cử Pháp, tuy chiến thắng của ông Macron được hoan nghênh bởi các nhóm chính trị ủng hộ nền dân chủ tự do, nó không xóa nhòa đi sự thật rằng, lượng công chúng dành tình cảm cho Nga vẫn còn rất mạnh mẽ ở quốc gia này.
60 % cử tri Pháp đã ủng hộ các ứng cử viên có thiên hướng gần gũi với Điện Kremlin trong vòng bầu cử đầu tiên. Trong khi đó, dù thất bại, đảng của bà Le Pen – người ủng hộ Nga nhất vẫn có những tác động lớn đến cuộc bầu cử nghị viện sắp tới bằng nhiều cách.
Và ở phần còn lại của thế giới, dư âm Brexit vẫn đang vang vọng ở khắp nơi. Các đảng theo đường lối dân túy vẫn đang phát triển mạnh trên khắp châu Âu.
Hình ảnh của TT Putin vừa mạnh mẽ, vừa bí hiểm. |
Theo quan điểm từ phía Nga, châu Âu đang quá độ lượng trong việc chào đón làn sóng nhập cư mà không hiểu rằng chính điều này đã mang đến lục địa mầm mống của chủ nghĩa khủng bố.
Cùng với đó, các quốc gia châu Âu đã từ bỏ nền văn hóa khác biệt của bản thân để cống hiến cho một liên minh quan liêu, nhút nhát và tham nhũng.
Cây bút Natalia Antonova từ tờ Politico cho rằng Putin là một người khéo nhìn ra cơ hội để khuấy động châu lục để tìm kiếm sự ủng hộ mà nước Nga đang thiếu tại đây: “Putin không phải người tạo ra những vấn đề của châu Âu. Ông chỉ tìm cách tận dụng chúng”.
Những căn bệnh của EU - từ khủng hoảng xã hội cho đến khủng bố tất cả chỉ khiến cho người dân mất niềm tin vào những thể chế chính trị hiện tại.
Niềm vui không chỉ đến từ nước Mỹ...
Mọi thứ thậm chí còn sáng sủa hơn đối với nước Nga ở ngay chính lãnh địa của người Mỹ. Hôm 10/5, Tổng thống Trump đã chào đón Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (và Đại sứ Nga tại Washington Sergey Kislyak) bằng sự nhiệt thành hiếm có.
Tổng thống Putin tận hưởng thú vui chơi hockey trong lúc nước Mỹ sa thải giám đốc FBI James Comey. |
Một sự tiếp đón được cho là kỳ lạ đối với các đại diện từ một Chính phủ vốn bị buộc tội can thiệp trực tiếp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ suốt nửa năm qua. Điều này cũng nói lên rằng cho đến hiện tại Nga chưa gặp phải bất kỳ sự bất lợi nào sau những cáo buộc nói trên.
Hơn thế nữa, một sự trùng hợp không phải vô tình hay có chủ ý khi nhà ngoại giao hàng đầu nước Nga đã đến Washington cùng lúc với quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey – người đứng đầu cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử được đưa ra.
Ở cách xa nước Mỹ 5000 dặm khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có một trận hockey trên băng vui vẻ. Khi được phóng viên Mỹ hỏi về quyết định sa thải Giám đốc FBI có liên quan gì đến Nga hay không, ông chủ Điện Kremlin đã trả lời bằng một thái độ nhẹ nhàng: "Câu hỏi của bạn thật hài hước với tôi", ông nói. "Đừng tức giận. Chúng tôi không liên quan gì đến chuyện đó cả".
Tổng thống Putin đã khéo léo phủ nhận nhưng ai cũng hiểu rằng nó là một tin vui dành cho Moscow.
Dù không phải tất cả đều là màu hồng, nhưng mọi thứ mà Moscow đang phải đón nhận hiện tại cũng chưa hẳn là một bức tranh xám xịt, thậm chí nó còn là một chiến thắng ở góc độ khác.
Bất chấp việc đang phải chống chọi trước những khó khăn đến từ lệnh trừng phạt của phương Tây sau cuộc khủng hoảng Ukraine, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy châu Âu có thể sẽ sớm nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sau khi các cuộc gặp năm ngoái giữa các thành viên đang có sự bất đồng rõ ràng về vấn đề này.
Trong khi đó Tổng thống Trump có thể sẵn sàng dùng tiếng nói đầy quyền lực của mình áp đặt lên lục địa già nhằm ủng hộ cho ông Putin, thậm chí bất chấp sự phản đối từ các cố vấn an ninh.
Sự bí hiểm mang tên Putin có lẽ vẫn phải chờ lời giải. |
Người Nga tiếp tục thể hiện tầm ảnh hưởng của mình ở phía đông Ukraine và ở Syria. Trong khi Moscow, Ankara và Tehran đã có những hợp tác hướng tới tiến trình hoà bình của riêng mình cho cuộc nội chiến Syria, Mỹ vẫn vắng mặt một cách bất thường.
Sự thiếu quan tâm của Mỹ và sự chia rẽ ở châu Âu đã giúp cho Tổng thống Putin nhiều không gian để tận dụng những sai lầm của phương Tây nhằm biến đổi thành lợi ích địa chính trị cho riêng mình.
Nga đã và đang mở rộng ảnh hưởng ở Balkans, Libya và bán số lượng vũ khí chưa từng có cho Ai Cập. Tháng trước, các tàu chiến Nga đã có chuyến thăm cấp cao đến Manila – một trong những đồng minh lớn của Mỹ ở châu Á.
Trong khi đó, máy bay quân sự của Nga đã tiếp cận không phận của NATO ở các cấp độ chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
“Dù gặp phải một vài trở ngại gần đây nhưng đó không phải lý do để ông ấy từ bỏ. Sau tất cả, chẳng điều gì có thể chặn lại Putin”, cây bút Christian Caryl kết luận.
Và có vẻ như, mọi "canh bạc" Putin đều chiến thắng ở một mặt nào đó.
Tác giả: Quốc Vinh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin