Kinh tế

Start-up chả cá Nhật từ nguyên liệu Việt của nữ doanh nhân

Thất bại liên tiếp trong suốt 9 tháng đầu nhưng chị Nguyễn Thu Hồng vẫn không nản chí trước khi thành công với sản phẩm chả cá Nhật làm từ nguyên liệu Việt.

Dưới đây là câu chuyện khởi nghiệp của chị Nguyễn Thu Hồng - người sáng lập chả cá Kamaboko Nhật vừa nhận giải "Người nữ sáng lập xuất sắc nhất" tại cuộc thi khởi nghiệp Start-up Wheel 2016, được VnExpress trích đăng từ sổ tay khởi nghiệp do Saigon Books mới phát hành.

Năm 2013, tức sau 3 năm học tại Đại học Tokyo, tôi trở về nước và bắt đầu lại với cuộc sống của một công chức "làm công ăn lương". Lúc đó, tôi dường như bị rơi vào trạng thái lửng lơ, mất phương hướng. Năm ấy cũng là thời điểm xuất hiện rất nhiều những thông tin liên quan đến chả cá bẩn, chả cá hàn the… Thế là trong đầu tôi chợt loé lên câu hỏi "Tại sao mình không làm chả cá sạch?".

Tôi từng được ăn chả cá tại Nhật ở nhà một vị giáo sư mỗi dịp xuân về. Tôi thật sự rất thích món này vì hương vị hấp dẫn của nó nên cũng từng tìm hiểu qua. Ban đầu, bản thân tôi không tin là có thể có miếng chả cá ngon, có độ dai tự nhiên mà lại không cần một hóa chất nào như thế. Nhưng sau đó thì hoàn toàn bị thuyết phục và mỗi lần ăn là tôi lại hay nói với vị giáo sư rằng :"Chắc chắn em sẽ phát triển kinh doanh món chả cá này tại Việt Nam".

khoiInvestment 7872 1472867800 png
Để thành công, nhiều star-up đã trải qua rất nhiều khó khăn tưởng tưởng quỵ ngã.

Nghĩ là làm, tháng 8/2013, tôi quyết định gửi email cho giáo sư với nội dung "em muốn phát triển chả cá Nhật tại Việt Nam dựa trên những nghiên cứu bài bản về bản chất protein tạo dai trong cá, để ở Việt Nam cũng có được những sản phẩm sạch, dinh dưỡng như người Nhật đã có". Sau hai ngày chờ đợi, vị giáo sư kia đã gửi thư lại cho tôi và bảo thầy sẵn lòng hỗ trợ. Lúc đó, tôi thật sự rất vui mừng nhưng cũng xác định được rằng thời gian sau đó sẽ là chuỗi ngày khó khăn, thử thách.

Mỗi sáng, tôi dậy lúc 4 giờ, ra chợ tìm mua cá tươi và mày mò tự làm. Mọi thứ vô cùng khó khăn với một người tay ngang như tôi. Cái khó đầu tiên của tôi là thiếu trang thiết bị, hóa chất. Bởi ở Việt Nam thì lĩnh vực này chưa ai làm, tôi là người đầu tiên nên phải tự bươn chải, tìm kiếm. Khó khăn thứ hai là tuy có tài liệu nghiên cứu nhưng thông số kỹ thuật quan trọng thì bị giấu đi. Do đó, trong chín tháng đầu, dù ngày nào tôi cũng vùi đầu vào nghiên cứu nhưng không một lần thành công.

Thế nhưng, tôi không cho phép mình nản chí hay bỏ cuộc, vẫn luôn kỳ vọng và tin tưởng vào những gì mình đã làm. Và rồi, trời không phụ lòng người, đến tháng thứ 10 tôi đã thu được kết quả đầu tiên, dù nhỏ, cũng đủ đem lại nguồn động viên lớn để bước tiếp. Lúc đó, tôi thật sự vui mừng không tả xiếc và ngay lập tức viết thư, gửi hình ảnh cho vị giáo sư kia. Sau đó, tôi bày tỏ mong muốn được quay lại Nhật để tập trung học một khoá ngắn hạn về lĩnh vực này.

Thầy cho biết sẽ hỗ trợ cho vé máy bay, phòng trọ còn tiền ăn và đi lại thì tôi tự lo. Nghe xong tôi rất mừng dù lúc ấy trong tay chẳng có tiền do đã đầu tư tất cả vào nghiên cứu nhưng vẫn quyết tâm phải nắm lấy cơ hội này. Tháng 8/2014, tôi sang Nhật, bắt đầu một khóa học mới - khóa học của một ước mơ rất rõ ràng. Thế nhưng, đó cũng là lúc tôi lại đối mặt với khó khăn hiện hữu là kinh phí.

Bởi chi phí sinh hoạt ở đây không hề rẻ nên tôi phải tìm cách kiếm tiền trang trải. Biết các bạn Việt tại Nhật thích chả cá, cứ mỗi chuyến đi từ Việt Nam sang, tôi bắt đầu mang chả cá của mình làm để qua bán với giá 400.000 đồng một kg, mỗi lần qua Nhật mình đều mang 30-40 kg chả cá.

Do đó, hành lý bao giờ cũng gồm một ba lô, một vali nhỏ và 2 vali to đựng chả cá. Có lúc bước qua tháng Hai, thời tiết rất lạnh, tay tê cóng, môi nứt chảy máu mà vẫn kéo lê đống hành lý khủng như thế để lên tàu. Thực sự, đã có lúc tôi ứa nước mắt và tự thương thân mình. Sau hai năm làm việc quá vất vả, mình bị đau nhức cột sống do mang vác quá mức, chưa kể việc học ở Nhật rất cực, toàn từ sáng đến khuya.

Dẫu vậy, mình vẫn theo kịp chương trình học. Sau khi nắm bắt được phương pháp luận nghiên cứu, tôi tiếp tục xin giáo sư cho phép thực tập tại công ty chả cá lớn nhất của Nhật - nơi thầy làm chuyên gia. Lúc đó thầy bảo để hỏi ý kiến lãnh đạo công ty. Và rồi tôi cũng được gặp CEO của công ty này. Ông là người điềm đạm, thông minh và cẩn trọng. Ông bảo nếu muốn phát triển kinh doanh chả cá ở Việt Nam, trước hết tôi phải là chuyên gia trong lĩnh vực này. Sau đó, tôi phải mời được một nhà đầu tư, một CEO Việt Nam thích lĩnh vực này qua đây, có vậy thì con đường của tôi sẽ ngắn hơn. Còn trước tiên, ông đã chấp nhận cho phép tôi ở lại công ty thực tập hai tuần và họ đã dạy tất cả những gì họ có.

Sau khi học và hành xong, trở về Việt Nam, tôi háo hức bắt tay làm ngay với mong muốn sớm đưa sản phẩm ra thị trường. Ban đầu, tôi nghĩ rằng đó là việc quá đơn giản. Hàng ngày, cứ sáng sớm tôi lên làm việc tại cơ quan, tối về làm chả cá đến 2 giờ sáng, sau đó 5 giờ thì đóng hàng (lúc này tôi bán hàng qua mạng xã hội là chính). Nhưng được khoảng một tháng thì tôi mệt mỏi vì mất sức, phải nhập viện, trong khi việc kinh doanh vẫn chưa hiệu quả.

Tôi nhận ra mình đã sai và phải thay đổi chiến lược. Cũng nhờ vậy mà tôi hiểu ra rằng cần phải có một đội ngũ hỗ trợ. Thế là đội ngũ nhân viên bán chả cá ra đời. Mỗi người một việc, có hoạch định rõ ràng, và ai trong nhóm cũng cam kết chịu khổ và trung thành với mục tiêu của dự án (đây là một câu chuyện khác). Sau một thời gian vật lộn để duy trì nhóm, tôi đã tiếp cận được nhà đầu tư tầm cỡ có cùng nhiệt huyết vì cộng đồng, chính anh đã cùng tôi qua Nhật để gặp gỡ với CEO của công ty sản xuất chả cá nằm ở top đầu tại Nhật và vị giáo sư, để hợp tác phát triển chả cá tại Việt Nam.

Đến bây giờ, con đường phía trước của chả cá Nhật mang thương hiệu Việt Nam (tức là chả cá được làm từ cá Việt Nam theo công nghệ Nhật Bản) còn lắm gian truân, nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ ước vọng và nó luôn là kim chỉ nam của tôi. Bởi tôi thấy rằng, ở quốc gia mà mình từng đến, họ dành sản phẩm ngon nhất cho dân tộc của họ. Tại sao mình không thể làm điều tương tự cho Việt Nam?.

Tác giả bài viết: Thu Hồng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP