Tin địa phương

"Sốt" thị trường khách sạn hạng sang ở Đà Nẵng

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Đà Nẵng đón nhận thêm một khách sạn 5 sao và ba khách sạn 4 sao cung cấp thêm hơn 1.000 phòng, nâng tổng nguồn cung khách sạn 3-5 sao lên 12.969 phòng.

Báo cáo tổng quan về thị trường khách sạn ở Đà Nẵng, Công ty nghiên cứu CBRE cho biết, tính đến cuối năm 2017, dự kiến thị trường Đà Nẵng sẽ có thêm khoảng 3.800 phòng từ 21 khách sạn được khai trương nâng tổng số phòng lên hơn 16.800 phòng, tăng 40% so với năm 2016.

Đây là tỷ lệ tăng cao nhất về nguồn cung trong giai đoạn 2014-2017. Trong 2 năm đến, tốc độ tăng trưởng nguồn cung dao động từ 7% - 9% mỗi năm. Đến năm 2019, thị trường dự kiến có tổng cộng 19.600 phòng khách sạn 3-5 sao.

Theo CBRE, trong quý 2/2017, nhìn chung các khách sạn ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Giá phòng bình quân khối 4-5 sao đạt 117.6USD/phòng/đêm, tăng 3% theo năm và công suất phòng trung bình là 62%, tăng 2,0 điểm phần trăm theo năm.

Giá thuê phòng khách sạn 4-5 sao ở Đà Nẵng 117,6 USD/đêm.

Trong đó, khối khách sạn 4 sao trong thành phố dẫn đầu về mức tăng doanh thu phòng bình quân (37% theo năm) do các khách sạn mới đã bắt đầu ổn định việc kinh doanh. Theo sau là khối khách sạn sao ven biển với tỷ lệ tăng là 8.8% theo năm về doanh thu phòng bình quân. Đây cũng là phân khúc ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về nguồn cung KS mới trong bốn năm qua.

Bình luận về xu hướng này, bà Dương Thùy Dung - Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam cho biết: “Hàng loạt các khách sạn 4 sao khai trương trong những năm gần đây, đặc biệt là các khách sạn mới nằm dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, góp phần vẽ nên đường skyline mới cho thành phố Đà Nẵng.

Những khách sạn này mang đến cho du khách dịch vụ nghỉ dưỡng chuyên nghiệp, cơ sở vật chất và tiện nghi khách sạn hiện đại với giá cả phải chăng, hướng đến lượng khách du lịch nội địa và khách quốc tế có ngân sách khiêm tốn hơn cho việc nghỉ dưỡng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Trong thời gian sắp đến, tuyến đường này sẽ chào đón thêm nhiều tòa nhà cao tầng hơn nữa và đa dạng hơn về loại hình bất động sản.”

Cũng theo CBRE, trong năm 2017, thị trường cho thấy sự dịch chuyển rõ nét hơn về quốc tịch khách quốc tế đến Đà Nẵng. Du khách đến từ Hàn Quốc đã bắt đầu vượt du khách Trung Quốc về số lượt khách. Nếu trong năm 2015, khách Trung Quốc chiếm 17,2% thì trong nửa đầu năm 2017 tỷ lệ này tăng lên 30%. Trong năm 2016, Đà Nẵng có 21 chuyến bay trực tiếp (bao gồm chuyến bay thường kỳ và thuê chuyến) thì đến nữa đầu năm 2017, tổng số chuyến bay tăng lên 26 chuyến. Trong đó, các chuyến bay giữa Đà Nẵng và Hàn Quốc có thêm 3 hãng hàng không khai thác, nâng tổng số lên 8 hãng.

Ngoài ra, các đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng và Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore cũng cho thấy sự tăng trưởng về số chuyến. Bà Dung nhận định thêm “Sự dịch chuyển về quốc tịch khách sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự dịch chuyển của dịch vụ đi kèm như F&B, dịch vụ giải trí cũng như nhu cầu về đầu tư bất động sản. Theo đó, các chủ đầu tư cũng cần chú trọng thêm về yếu tố ngôn ngữ để mở rộng thị phần khách hàng và đón đầu làn sóng đầu tư”.

Năm 2017, thị trường cũng sẽ đón nhận những thương hiệu khách sạn mới, chính thức hoạt động tại Đà Nẵng như Sheraton, Four Points by Sheraton, Hilton và JW Mariott, đưa Đà Nẵng lên dẫn đầu cả nước về số lượng các thương hiệu quốc tế.

Tác giả: Minh Tâm

Nguồn tin: Báo Doanh nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP