|
Chiều qua (16/6/2017), Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng đã tổ chức buổi họp báo trao đổi thông tin về công tác quản lý trạm BTS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng đã khẳng định, việc lắp đặt các trạm thu, phát sóng viễn thông (BTS) trên địa bàn là không ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn, mất sóng… các doanh nghiệp viễn thông vẫn luôn triển khai thêm các trạm BTS mới, hoặc nâng cấp công nghệ các trạm. Tuy nhiên, việc xây dựng trạm BTS hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do người dân lo ngại về ảnh hưởng sóng điện từ do trạm BTS phát ra đối với sức khỏe con người.
Trong năm 2016, Sở TT&TT Đà Nẵng đã xử lý 14 phản ảnh của người dân. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có 12 phản ảnh. Hầu hết người dân đều dựa vào thông tin không chính thống trên Internet về ảnh hưởng của sóng điện từ từ trạm BTS tới sức khỏe nên đã phản đối việc nhà mạng dựng mới.
Tuy nhiên, thực tế các cuộc đo kiểm bức xạ điện từ trạm BTS được Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng đã chủ trì, phối hợp cùng với Sở Y tế, Sở KH-CN và các địa phương có đặt trạm BTS dưới sự chứng kiến của người dân, đều cho kết quả là bức xạ điện từ tại trạm và các nhà dân liền kề thấp hơn 0,05% giá trị bức xạ tối đa cho phép (mức phơi nhiễm tối đa cho phép 27,5 V/m quy định tại TCVN 3718-1:2005 và QCVN 08:2010).
Vì vậy, một lần nữa Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng khẳng định, với mức bức xạ trên, các trạm BTS hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ông Thanh cũng cho biết tính đến hết tháng 4/2017, trên địa bản thành phố có 1.435 trạm BTS, trong đó có 259 trạm BTS loại 1 (có cột ăng-ten cồng kềnh đặt trên đất tự nhiên), 667 trạm BTS loại 2 (có cột ăng-ten cồng kềnh đặt trên nóc nhà), 446 trạm BTS thân thiện môi trường (có cột ăng-ten nhỏ gọn, dưới 6m đặt trên nóc nhà), 63 trạm Indoor và 92 vị trí sử dụng chung để đặt trạm BTS cho nhiều nhà mạng khác nhau.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Tạp chí Xã hội thông tin