Cơ sở 4 Đại học Hà Tĩnh (thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân) bỏ hoang nhiều năm nay
Đào tạo mở rộng song không tăng biên chế
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định thành lập trường Tiểu học, THCS, THPT trực thuộc ĐH Hà Tĩnh. Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng trường ĐH Hà Tĩnh nhấn mạnh: Trong chiến lược phát triển thời gian tới, ĐH Hà Tĩnh sẽ đào tạo cả mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp, CĐ, ĐH, thạc sỹ và cả… tiến sỹ.
Trước sự việc trên, dư luận đặt vấn đề: ĐH Hà Tĩnh sẽ lấy giáo viên ở đâu để dạy các em học sinh tiểu học, THCS, THPT trong khi Nhà nước đang có chính sách tinh giản biên chế. Tuy nhiên, ông Thọ cho biết, nguồn giáo viên dạy ở trường tiểu học, THCS, THPT thuộc trường ĐH Hà Tĩnh sẽ lấy giáo viên hiện tại của trường - tức là các giáo viên đang giảng dạy đại học ở trường. “Trường chúng tôi hiện có giáo viên đào tạo sư phạm tiểu học, mầm non (trong đó có các môn hội họa, múa, tiếng Việt…); Có sư phạm tự nhiên (dạy đầy đủ các môn sinh, hóa, lý…); Sư phạm xã hội. Thày của thày mà không dạy được trò nữa thì…”, ông Thọ nhấn mạnh.
Dường như có một nghịch lý đang xảy ra: Trong khi trường ĐH Hà Tĩnh (hiện là trường ĐH duy nhất trên địa bàn tỉnh-PV), quay sang xin thành lập trường công lập đào tạo từ hệ mầm non đến THPT thì hàng loạt trường tiểu học, THCS tại Hà Tĩnh thời gian qua lại phải sáp nhập vì thiếu học sinh. Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi phải chăng hệ đại học của Hà Tĩnh đang gặp khó khăn trong tuyển sinh nên trường mới mở thêm các bậc học để bù đắp, ông Thọ đã phủ nhận: “Từ năm 2010 cho đến nay là tăng mục tiêu tuyển sinh ở ngoài nước để bù đắp cho tuyển sinh trong nước. Mỗi năm chỉ tiêu tuyển sinh 1.200 sinh viên, riêng sinh viên Lào chúng tôi luôn vượt quá chỉ tiêu”.
“Siêu” trường nên cũng “siêu” cơ sở hạ tầng
Có lẽ ĐH Hà Tĩnh cũng là trường đại học duy nhất trên cả nước có bốn cơ sở dạy học, trong đó cơ sở 1 ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 5/2010, có diện tích lên tới 80,06 ha với tổng mức đầu tư lên tới 1.498 tỷ đồng (phân kỳ đầu tư chia thành ba giai đoạn).
Điều đáng nói, ngay cả khi xây dựng cơ sở đại học mới rộng 80,06 ha này, ĐH Hà Tĩnh vẫn không trả cơ sở 2 (phường Đại Nài), cơ sở 3 (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh), cơ sở 4 (thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân) cho UBND tỉnh để giao cho cơ quan chức năng khác. Theo tìm hiểu, hiện vẫn có nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp khác tại Hà Tĩnh đang phải thuê, mượn trụ sở để làm việc. Nhưng ngược lại, ĐH Hà Tĩnh đã cho đơn vị khác thuê lại cơ sở 3 với giá 40 triệu đồng/tháng. Riêng cơ sở 4 sau một thời gian dài bỏ hoang, gần đây ĐH Hà Tĩnh mới ký hợp tác với Công ty Xây dựng Đông Dương Thăng Long với lý do “làm vườn ươm cây, khảo nghiệm cây xanh, tập kết các cây xanh lớn… làm cơ sở cho thực hành, thực tập, nghiên cứu cho giảng viên, HS, SV Khoa Nông nghiệp của trường”.
Ngay khi cơ sở vật chất giảng dạy của bốn cơ sở ĐH Hà Tĩnh đang “dư thừa”, mới đây, ĐH Hà Tĩnh lại được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình trường ĐH Hà Tĩnh (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 147,8 tỷ đồng. Trong số đó, ngoài vốn từ ngân sách T.Ư còn có 23 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh.
Về vấn đề này, Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thọ cho rằng, xét quy hoạch dài hạn, trường sẽ chuyển ra cơ sở mới (ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên); Cơ sở 2 (ở phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) sẽ là trường phổ thông và là nơi đào tạo sau đại học, đào tạo cán bộ vào buổi tối; Cơ sở 3 (ở phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) sẽ là nơi đào tạo THPT; Cơ sở 4 (ở thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân) sẽ định hướng phát triển thành cơ sở đào tạo dự bị đại học và đại học quốc tế cho các em học nghề.
Tác giả bài viết: Trần Lộc