Ngày 20/8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức hội nghị cho ý kiến ban đầu về Dự án Luật Phòng chống tác hại rượu bia, do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo.
Theo ý kiến, từ các thành viên tham dự, nhiều quy định trong Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia của Bộ Y tế lại tập trung vào hạn chế các hoạt động thương mại, thay vì các giải pháp cần thiết để nâng cao sức khoẻ cộng đồng, hay giải quyết các vấn đề xã hội.
Hạn chế kinh doanh
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, cho biết, Dự thảo luật có nhiều quy định về kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tiêu thụ rượu, bia; cấm quảng cáo bia,... Đưa việc kiểm soát nhu cầu sử dụng và nguồn cung cấp rượu, bia lên hàng đầu, sẽ tác động xấu đến ngành công nghiệp, đang có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và các ngành liên quan.
Luật VN quy định các DN không được quảng cáo rượu, bia trong hoạt động tài trợ (ảnh minh họa). |
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Dự thảo luật không thể hiện được nội dung phòng chống tác hại trong khi lại đưa ra những quy định “lấn sân” về quản lý sản xuất và tiêu thụ rượu, bia; không thể hiện sự tiến bộ khi Luật ban hành, sẽ cải thiện tác hại của rượu, bia ra sao.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho rằng, theo tờ trình của Bộ Y tế, Luật này tiếp cận dưới góc độ y tế công cộng, nhưng trong Dự thảo có nhiều quy định liên quan đến thương mại, kinh doanh và quảng cáo, mà một số điều lại không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn với Luật Thương mại.
Theo ông Nguyễn Quang Chiểu, Ủy Ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, tên gọi và nội hàm của Dự thảo Luật đang mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với Luật Thương mại rất nhiều. Luật có phạm vi áp dụng là rượu bia, nhưng lại không có đối tượng áp dụng, vậy thì dành cho ai?
Ông Leonard Cornelis Jorden Evers, Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Bia Heineken Việt Nam, cho hay, theo Dự thảo luật thì rượu, bia dưới 5,5 độ cồn không được quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời, trên các phương tiện giao thông, trong các chương trình văn hóa, thể thao, sân khấu, điện ảnh, trang thông tin điện tử (trừ trang thông tin điện tử của DN sản xuất, kinh doanh rượu, bia).
Rượu, bia khi tài trợ cho sự kiện hay hoạt động nào đó, cũng không được để tên, hình ảnh sản phẩm trên vật phẩm tài trợ và trong hoạt động tài trợ, không được quảng cáo rượu, bia trong hoạt động tài trợ.
Với những quy định này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Các DN bia gần như không được thực hiện hoạt động quảng cáo. Còn tài trợ mà không được quảng cáo thì chắc chắn không DN nào muốn làm. Nếu đưa ra quy định như vậy, các DN sẽ mang tiền ra nước ngoài quảng cáo, tài trợ. Câu chuyện Bia Sài Gòn tài trợ cho một đội tuyển tại Giải Ngoại hạng Anh là một ví dụ.
Đồng tình với quy định không tài trợ trực tiếp và quảng cáo trong các chương trình liên quan đến y tế, giáo dục, trẻ em, học sinh, sinh viên, nhưng đại diện DN sản xuất bia kiến nghị vẫn được tài trợ cho các chương trình thể thao, văn hóa, giải trí. Hay đối với nội dung cấm bán rượu bia trên Internet, trong thời đại 4.0, với quy định như vậy sẽ mất đi kênh bán hàng quan trọng.
Vấn đề quan trọng là kiểm soát được rượu bia lậu, kém chất lượng, bất hợp pháp |
Bia rượu kém chất lượng khó kiểm soát
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng cho rằng, kiểm soát rượu bia lậu, kém chất lượng, bất hợp pháp, không thấy có giải pháp khả thi trong Dự thảo Luật.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, vấn đề trọng tâm phải làm sao kiểm soát được rượu bia lậu, kém chất lượng, bất hợp pháp. Song, điều này lại thể hiện mờ nhạt trong Dự thảo Luật. “Ngoài biện pháp thông dụng, nên có các biện pháp quyết liệt hơn, như là vấn đề hình sự, làm sao để tránh lạm dụng và kiểm soát được rượu bia kém chất lượng”, ông Long nói.
Trong Dự thảo Luật, chỉ đề cập đến giảm tiêu thụ rượu, bia nói chung, mà không chú trọng đến tác hại của đồ uống có cồn chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, Ông Leonard Cornelis Jorden Evers nhấn mạnh.
Thứ Trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng băn khoăn: Sau khi luật ban hành, có khắc phục được vấn đề rượu bia lưu thông phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng không?
Chẳng hạn, có loại rượu, bia, người tiêu dùng cứ uống vào là bị đau đầu. Đối với rượu thủ công, ngay cả đã khi giao cho UBDN các địa phương, liệu có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để kiểm soát chất lượng? Nếu chỉ dừng ở tuyên truyền sẽ không hiệu quả. Hơn nữa, các quy định về đảm bảo chất lượng rượu bia, quản lý Nhà nước trong Dự thảo luật còn quá ngắn, cần phải làm rõ hơn - Thứ trưởng Cường nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, tính khả thi của Dự án Luật còn nhiều điều nghi ngờ. Rượu thủ công hàng năm có sản lượng tới gần 300 triệu lít, chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, thì không đưa ra được giải pháp nào hiệu quả để kiểm soát.
Về lập Quỹ sức khỏe, theo ông Bùi Sỹ Lợi, Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội, thì Nghị quyết 104 của Chính phủ đã nói rõ là không thành lập quỹ. Chính vì vậy, Bộ Y tế đề nghị thành lập quỹ là trái với nghị quyết của Chính phủ.
Tác giả: Trần Thủy
Nguồn tin: Báo VietNamNet