|
Các chủng san hô tạo nên rạn san hô được gọi là hermatypic, hay san hô “cứng” bởi chúng tiết ra calcium carbonate để tạo nên những bộ xương ngoại vi bảo vệ phần thân mềm bên trong. Các loại san hô khác gọi là san hô “mềm”. Mỗi cá thể san hô đều sản sinh trên phần khung xương ngoại vi của tổ tiên chúng, sau đó xây dựng thêm phần khung này, từ đó tạo nên những rạn san hô rộng lớn. Nhiều thế kỷ trôi qua, những rạn san hô lớn dần và trở thành một quần thể lớn trong môi trường biển.
Hiện tượng axit hóa đại dương – gây nên do các đại dương hấp thụ quá nhiều carbon dioxide mà con người thải ra khí quyển thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch – đã làm giảm khả năng sinh sản khung xương ngoại vi bảo vệ san hô. Ô nhiễm nguồn nước cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới các rạn san hô. Dư lượng thuốc trừ sâu sử dụng trong nông nghiệp, xăng dầu, nước thải trong cống rãnh và nhiều loại chất hóa học…khiến san hô không thể sinh sôi.
Chính phủ Australia hiện đang đẩy mạnh các nỗ lực bảo tồn rạn san hô Great Barrier. Kế hoạch dài hạn của họ đưa ra nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu và hướng tới ngăn chặn hoàn toàn các loại hóa chất gây hại đổ ra biển, giảm tình trạng đánh bắt cá trái phép và kiểm soát chất lượng nước ở các khu vực có rạn san hô.
Thêm vào đó, Chính phủ Australia cũng đưa ra nhiều nỗ lực xây dựng lại các rạn san hô. Các nhà khoa học hiện đang làm việc khẩn trương để nhân giống ra các chủng san hô có sức sống mãnh liệt hơn, ít chịu ảnh hưởng từ tình trạng nóng lên toàn cầu và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Giới khoa học hiện nay đang nuôi nhiều chủng san hô trong phòng thí nghiệm và đặt chúng trong những môi trường đặc biệt để tìm ra chủng loài mạnh mẽ nhất.
Tác giả: Minh Liệt (T/h)
Nguồn tin: Moitruong.net.vn