Du lịch

Run run tắm biển khi không thấy bảng cảnh báo

Nhiều trường hợp du khách chết đuối mới đây khi tắm biển Vũng Tàu làm bạn đọc hoang mang về mức độ an toàn khi du lịch biển.


Bãi Sau, TP Vũng Tàu luôn là địa chỉ thu hút rất đông du khách đến tắm biển - Ảnh: Đông Hà


Bà Quỳnh Giao (Q.1, TP.HCM) bức xúc: “Những lưu ý lẽ ra chính quyền địa phương, ban quản lý các khu du lịch nên nhắc nhở du khách. Nhiều trường hợp, du khách tới nơi còn không được giải thích cờ đen cảnh báo là gì!”.

Bà Giao cho rằng cách quản lý ở nhiều bãi tắm tại VN còn rất yếu. Lực lượng cứu hộ chỉ có vài người cho cả một bãi tắm rộng lớn, nếu xảy ra sự cố thì khó cứu kịp.

Nóng ruột, nhiều bạn đọc đã chia sẻ những kinh nghiệm của họ khi comment trên Tuổi Trẻ Online. Chị Hoàng Tố Nga (TP.HCM) cho rằng: “Nếu biết bơi thì không nên chống lại dòng xoáy vì có khi sẽ bị nó đẩy ra xa hơn, hút mình xuống tận đáy biển. Hãy “nương theo lực xoáy” để còn cơ hội kêu cứu”.

Theo anh Lê Tôn (Bà Rịa - Vũng Tàu), khu vực nào có bọt sủi trắng xóa từ bờ ra xa là cạn, ngược lại nếu không có hoặc ít là sâu. Điều cần nhớ là nơi cạn hoặc sâu sẽ thay đổi liên tục. Những khu vực thường xuất hiện ao xoáy cần được cắm cờ đen cảnh báo.


Đầu tư thêm cho công tác bảo hộ

Anh Hồng Văn Lợi - hướng dẫn viên du lịch - đánh giá hầu hết các bãi tắm, các khu du lịch đều có gắn những bảng cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, ở những bãi tắm tự do thì lực lượng cứu hộ chỉ trực theo chốt và khá ít so với lượng khách đông.

“Sự an toàn của du khách chỉ phụ thuộc phần nhiều vào sự tự ý thức của họ chứ ban quản lý hoặc lực lượng cứu hộ không nhắc nhở mà khá bị động, chỉ hỗ trợ khi có sự cố xảy ra” - anh Lợi nói.

Theo ThS Nguyễn Văn Thanh - phó trưởng bộ môn du lịch (ĐH KHXH&NV TP.HCM), ban quản lý và chính quyền địa phương ở các bãi tắm hiện nay nên tăng cường những biện pháp hữu hiệu hơn để giám sát các rủi ro có thể xảy đến cho du khách.

Cụ thể, chính quyền địa phương phải định vị được những vùng nước xoáy theo từng mùa trong năm. Từ đó đề ra những cảnh báo kịp thời cho người dân và du khách tắm biển.

Ông Thanh cho rằng Vũng Tàu là thành phố du lịch, lại là thành phố biển nên những biện pháp cứu hộ buộc phải có và phải làm ngay để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Đồng tình với ý kiến trên, anh Phạm Vũ - một hướng dẫn viên tự do - cho rằng Vũng Tàu là một trong những điểm đến thường xuyên của du khách nên có nguồn thu rất lớn từ kinh tế du lịch. Do vậy, địa phương này nên đầu tư thêm cho công tác bảo hộ.

Thành lập đội cứu hộ thường trực

Theo anh Phạm Vũ, trong những vụ tai nạn, trách nhiệm một phần thuộc về bộ phận nhân viên trực bãi biển. Họ không chú tâm và không kịp thời cứu những du khách gặp nạn.

“Nên chăng, bây giờ phải thành lập ngay một lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra dọc bờ biển bằng cano để kịp thời phát hiện những tình huống nguy hiểm và cảnh báo du khách?” - anh Phạm Vũ đặt vấn đề.

Theo ThS Nguyễn Văn Thanh, bên cạnh việc bố trí lực lượng cứu hộ thường trực cũng cần trang bị thêm những thiết bị cần thiết để phục vụ cho việc giám sát và cứu hộ.

“Lực lượng này ở các bãi biển Vũng Tàu vẫn còn mỏng và chưa đủ. Thêm vào đó cũng còn thiếu nhiều phương tiện hiện đại phục vụ cho việc cứu hộ. Có nhiều trường hợp đưa được người gặp nạn lên bờ rồi nhưng vì phương pháp sơ cứu còn quá thô sơ nên những tình huống đáng tiếc vẫn xảy ra” - ThS Nguyễn Văn Thanh cho biết.

Du khách chủ quan

Hướng dẫn viên Phạm Vũ cho rằng có rất nhiều du khách tin mình bơi giỏi nên chủ quan, bỏ ngoài tai những lời hướng dẫn an toàn của hướng dẫn viên và không chú ý biển cảnh báo.

Theo hướng dẫn viên Hồng Văn Lợi, với khách đăng ký du lịch theo tour, họ sẽ được hướng dẫn viên nhắc nhở một số quy định cần thiết để tắm sao cho an toàn và phải liên hệ ai khi gặp sự cố.

Riêng với khách tự do, phần lớn còn rất chủ quan, coi thường các biển cảnh báo. Nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ còn cố tình bơi xa đến khu vực các cờ cảnh báo độ sâu để chụp hình.

Một giảng viên bộ môn du lịch (ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng tại các bãi tắm ở Vũng Tàu từng xảy ra nhiều sự cố, tai nạn đáng tiếc chứ không riêng gì vài trường hợp xảy ra gần đây.

Xét về nguyên nhân, vị này cho hay bản thân biển đã là một môi trường chứa đựng nhiều rủi ro vì đây không phải là môi trường sinh sống thường xuyên của con người. Bên cạnh đó, địa hình ven biển của Vũng Tàu tạo cho người nhìn cảm giác đây là một bãi biển nông. Do đó, nhiều người rất thích thú, các bạn trẻ thoải mái bơi xa.

“Đúng là bờ biển Vũng Tàu có độ sâu không nguy hiểm nhưng thực tế là ở đây thường xuất hiện các dạng địa hình hố trũng, đi một vài đoạn sẽ bị hụt chân nên rất nguy hiểm.

“Du khách lại có tâm lý thích tìm những nơi riêng tư, vắng vẻ nên gặp biển đông thì họ càng đi xa, bơi xa” - chuyên gia này phân tích.

Theo vị này, ban quan lý các bãi tắm của VN nên tổ chức lại cách thức phục vụ. Xây dựng hệ thống bảng cảnh báo sao cho khéo léo, hợp tâm lý du khách để vừa nhắc nhở họ, vừa thể hiện thiện chí của địa phương đồng thời không làm du khách mất vui khi đến du lịch.

Lưu ý cho du khách khi đi tắm biển

ThS Nguyễn Văn Thanh đưa ra một vài lời khuyên:

Người đi tắm biển luôn phải có ý thức tự bảo vệ mình và những người xung quanh, biết tự lượng sức mình và không chủ quan để xảy ra những tình huống đáng tiếc. Nhiều người nghĩ rằng mình biết bơi nên thích ra xa, đến khi bị sóng cuốn thì lại đuối sức.

Trước khi đi xuống biển phải quan sát kỹ biển báo, cờ hiệu. Tuyệt đối không được đi vào những vùng nước có biển báo hay cờ hiệu cấm. Không đi quá giới hạn được phép tắm biển.

Đối với những người chưa có kỹ năng bơi thì rất cần những phương tiện hỗ trợ như áo phao để giảm thiểu tối đa những sự cố không đáng có.

Trước khi xuống nước cần có những động tác khởi động để tránh trường hợp cơ thể chưa thích nghi được với việc thay đổi nhiệt độ đột ngột dẫn đến chuột rút.

Nên đi thành nhóm để cùng quan sát và bảo vệ lẫn nhau.

Điều cuối cùng là phải tuân thủ mọi quy định của bãi tắm.

Ban quản lý các bãi biển nên tổ chức học tập ở Đà Nẵng. Tôi tắm ở đây thấy rất an toàn. Họ dùng phao dây vây thành khu vực được phép tắm. Lực lượng cứu hộ luôn trên thuyền thúng ở phía ngoài biển, bên ngoài phao dây để nhắc nhở du khách tắm biển vượt rào dây ra khu vực nguy hiểm.

MỘT DU KHÁCH


Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Anh Hồng Văn Lợi:

>> ThS Nguyễn Văn Thanh:

>> Anh Phạm Vũ:

Tác giả bài viết: Mạnh Khang - Mai Nguyễn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP