Phiên giao dịch đầu tháng 7 ngay từ khi mở cửa đã chứng kiến tình trạng “rơi tự do” của các chỉ số.
Tạm dừng phiên sáng, trên sàn TPHCM (HSX) ghi nhận có tới 241 mã giảm giá (18 mã giảm sàn) trong khi chỉ có 41 mã tăng (tức số mã giảm gấp 6 lần số mã tăng). Chỉ số VN-Index sụt mạnh tới 21,38 điểm tương ứng mất 2,23% còn 939,4 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index cũng “bay mất” 3,56 điểm tương ứng 3,35% còn 102,61 điểm với 93 mã giảm giá (16 mã giảm sàn) hơn gấp 3 lần số mã tăng.
Hơn 300 mã chứng khoán "đỏ lửa" sáng đầu tuần |
“Tội đồ” khiến thị trường giảm sâu tiếp tục là các mã vốn hóa lớn. Trong số 30 mã tiêu biểu của sàn HSX thì đã có tới 29 mã giảm, thậm chí có 1 mã giảm sàn là HSG.
Cụ thể, VCB mất 1.900 đồng, GAS mất 2.800 đồng, CTG mất 1.100 đồng, VHM mất 1.400 đồng, BID mất hơn 1.000 đồng, TCB và MSN cùng mất 3.000 đồng…
Theo đó, VCB góp vào mức giảm chung của VN-Index 2,24 điểm, GAS góp vào 1,76 điểm, CTG góp vào 1,34 điểm, VHM góp vào 1,23 điểm, BID góp vào 1,18 điểm, TCB góp vào 1,15 điểm, MSN góp vào 1,14 điểm… Một số trụ cột như VNM, VIC cũng giảm giá.
Cũng trong sáng nay, YEG giảm sàn mất 22.300 đồng/cổ phiếu về 296.700 đồng, dư bán sàn hơn 57 nghìn đơn vị và không có dư mua. VCI mất 4.900 đồng, MWG mất 4.400 đồng, PNJ mất 4.400 đồng, CTD mất 3.900 đồng, SAB mất 3.000 đồng, ACB mất 2.300 đồng, ROS cũng mất 2.300 đồng, VJC mất 2.200 đồng VIC giảm 600 đồng.
Cổ phiếu giảm sâu đã “cuốn phăng” hàng trăm tỷ đồng của các đại gia trong top giàu nhất thị trường.
Cụ thể, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup mất khoảng 1.119 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air mất khoảng 445 tỷ đồng tại tài khoản cổ phiếu VJC, tỷ phú Trịnh Văn Quyết mất khoảng 765 tỷ đồng tại tài khoản ROS; ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Hòa Phát mất hơn 400 tỷ đồng.
Thị trường giảm điểm trong khi thanh khoản vẫn yếu. Toàn sàn HSX chỉ có hơn 80 triệu cổ phiếu giao dịch, giá trị hơn 1.739 tỷ đồng, trong khi con số này trên HNX là 24,7 triệu cổ phiếu tương ứng hơn 390 tỷ đồng.
Tình trạng giảm giá kéo dài trên thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra trong bối cảnh các thông tin vĩ mô vẫn khá tích cực. Cụ thể, GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2011. Đièu này có thể sẽ giảm thiểu lo ngại về khả năng chính sách tiền tệ sẽ được điều chỉnh theo hướng thắt chặt hơn.
Trong khi đó, chứng khoán toàn cầu đang chịu tác động tiêu cực bởi những lo ngại về xung đột thương mại xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc cùng các đối tác khác.
Thị trường chứng khoán châu Á sáng nay cũng nhuốm đỏ với việc Nikkei 225 giảm 1,16%; Kospi giảm 1,55%; Shanghai Composite giảm 1,13%... tính tại thời điểm 11h30 giờ Việt Nam.
Tác giả: Bích Diệp
Nguồn tin: Báo Dân trí