Kinh tế

Rủ nhau nuôi trăn thoát nghèo

Nhiều thanh niên ở TT.Cây Dương (H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã rủ nhau thành lập câu lạc bộ và áp dụng phương pháp nuôi trăn bằng đệm lót sinh học để thoát nghèo.

CLB nuôi trăn TT.Cây Dương đang giúp nhiều thanh niên thoát nghèo
NGUYÊN ĐẠT
CLB nuôi trăn
Thời gian qua, câu lạc bộ (CLB) nuôi trăn ở TT.Cây Dương khá nổi tiếng bởi các thành viên đều là những người trẻ. Chính con trăn đã giúp họ thay đổi cuộc sống, từ chỗ khó khăn trở thành người có thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Trần Quang Khải, Bí thư Đoàn TT.Cây Dương, cho biết:

“Khoảng 10 năm trước, tại đây chỉ có vài người nuôi trăn. Sau khi anh Nguyễn Hoàng Thành (ngụ ấp Mỹ Lợi, TT.Cây Dương) nuôi trăn đạt hiệu quả, rồi anh Lý Út Nữa (ngụ cùng ấp) học theo, đồng thời đi học thêm kinh nghiêm ở nơi khác phát triển nuôi thành công đã dấy lên phong trào nuôi trăn ở địa phương”.

Anh Lý Út Nữa cho biết năm 2007, anh mua 4 con trăn giống về nuôi. Từ thành công của những con trăn đầu tiên, anh tiếp tục học hỏi thêm kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm rồi quyết định vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng quy mô nuôi. Hiện nay, với đàn trăn hơn 120 con, mỗi năm anh thu nhập gần 200 triệu đồng. Anh Nữa vừa đầu tư hơn 300 triệu đồng xây mới ngôi nhà và mở rộng nơi nuôi trăn.

Sau khi thành công, anh Nữa bắt đầu truyền lại kinh nghiệm cho một số thanh niên khác và tiến hành thành lập CLB nuôi trăn. Anh Lý Văn Thừa (ngụ ấp Mỹ Quới, TT.Cây Dương) cho biết: “Học anh em trong CLB, cách đây 4 năm tôi bắt đầu mua trăn giống về nuôi. Hiện nay đàn trăn của tôi hơn 50 con, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng”.

Theo anh Nữa, trước khi phát triển mô hình nuôi mới, anh đã nghiên cứu rất kỹ với mục đích nhân rộng cho thanh niên trong thị trấn. “Sau một thời gian, tôi thấy đây là mô hình dễ áp dụng nên nhiều thanh niên trong ấp và các địa phương khác đến tham quan học hỏi, tôi đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời cung cấp con giống và hỗ trợ kỹ thuật cho những ai mới bước vào nghề”, anh Nữa chia sẻ.

Ứng dụng đệm lót sinh học
Từ chỗ nuôi nhỏ, giờ đây người nuôi trăn ở TT.Cây Dương bắt đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi, đặc biệt là sử dụng đệm lót sinh học. Anh Nữa cho biết: “Tôi đi tham quan nhiều nơi thấy người ta nuôi heo, gà bằng đệm lót sinh học nên nghĩ nếu con trăn cũng làm như thế thì sẽ giảm nhiều chi phí, công chăm sóc. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi quyết định thử nghiệm trên đàn trăn của gia đình và đã thành công”.

Theo anh Nữa, hình thức nuôi trăn trên đệm lót sinh học giúp tận dụng tối đa diện tích trống trong nhà, đệm lót sinh học làm khá đơn giản gồm mạt cưa trộn với men sinh học. Trung bình một lồng nuôi trăn ngang 0,8 m, dài 1 m, chi phí đầu tư cho đệm lót khoảng 10.000 đồng, nhưng hạn chế tối đa mùi hôi trong quá trình nuôi. Mặt khác áp dụng kỹ thuật này, người nuôi còn tiết giảm khoảng 20% chi phí. Sau 2 năm áp dụng, đàn trăn của anh Nữa có nhiều con đạt trọng lượng từ 40 - 50 kg/con, màu da đẹp nên được thương lái các tỉnh, thành lân cận tìm đến thu mua.

“Mô hình nuôi trăn mang nguồn thu về cho gia đình tôi ít nhất là 150 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay trồng màu. Tuy nhiên, người nuôi cần lựa chọn mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, thường xuyên tham gia các buổi hội thảo, đào tạo nghề nuôi trăn để học thêm kinh nghiệm, kỹ thuật mới áp dụng vào quá trình nuôi. Đặc biệt, theo dõi kỹ, nhất là những lúc thời tiết thay đổi trăn dễ mắc phải bệnh như: đẹn miệng, viêm đường hô hấp, sưng phổi… dẫn đến hao hụt không lời nhiều”, anh Nữa chia sẻ.

Anh Trần Quang Khải cho hay với cách thiết kế khoa học, nuôi trăn trên đệm lót sinh học là cơ hội cho những người có ít thời gian rảnh vẫn muốn tăng thu nhập cho gia đình. “Tôi đã học theo anh em nuôi lứa trăn đầu tiên, sắp tới sẽ tham gia câu lạc bộ để cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cải thiện kinh tế gia đình”, anh Khải nói.

Tác giả bài viết: Nguyên Đạt

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP