Bạn ngồi trước mặt tôi, nét mặt ảo não nói: “lần này mà chồng tớ không chịu ra thuê nhà ở riêng, chắc là “thôi” nhau quá. Chứ tớ là hết chịu nổi cô em chồng rồi. Mai này rồi cô ấy cũng làm dâu mà, sao lại quá quắt không chịu nổi thế. Cứ như tớ và cô ấy có thù oán với nhau từ kiếp trước vậy”.
Nghe bạn nói càng thêm buồn nản, cùng phận đàn bà sao người ta cứ tìm cách làm khó nhau như thế?
Tôi cũng có một chị dâu. Anh tôi lập nghiệp ở Đà Nẵng, yêu và cưới chị là người gốc ở đó. Ngày ấy, tôi còn là sinh viên, cuộc sống xa nhà nhiều thiếu thốn, cũng may có anh chị cận kề. Anh chị đồng lương công nhân ba cọc ba đồng lại nuôi con nhỏ. Nhưng chị mua cho tôi từ cái quạt mùa hè, đến tấm áo khoác mùa đông, từ chai dầu ăn đến chai sữa tắm. Thỉnh thoảng anh tôi ghé qua trường, dúi vào tay tôi vài ba trăm nghìn bảo “chị gửi cho cô đó”.Anh tôi công việc bấp bênh, đồng lương công nhân của chị không đủ xoay xở. Chị bỏ việc, về nhà nấu rượu, nuôi heo, quần quật từ sáng tới tối. Cuộc sống khó khăn khiến chị đôi khi cáu bẳn, khiến tôi cũng đôi chút chạnh lòng. Một lần dọn nhà giúp chị, tôi nhặt được một cuốn sổ nhỏ, trong đó chị viết: “Hôm nay em gái anh nhập học, một chút tiền cũng không có để cho. Thương em. Cũng tại vợ chồng mình còn nghèo quá. Có lẽ em cũng sẽ hiểu mà chẳng trách gì anh chị đâu, vậy mà vẫn áy náy và buồn.” Những dòng chữ khiến tôi rưng rưng xúc động.
Vì gia cảnh khó khăn, chị dâu tôi không được học nhiều. Nhưng về đối nhân xử thế, tôi vẫn luôn phải học hỏi chị. Tôi đã đi qua thời ẩm ương yêu đương có chị lắng nghe và chia sẻ, đã bao lần khóc cười với chị. Có lần tôi đang trên giảng đường, chị nhắn tin cho tôi bảo chị buồn quá. Tôi gọi điện cho chị, chị khóc bảo hôm nay có tý chuyện nhỏ nhặt mà anh tát chị một cái. Điều đó làm chị cảm thấy quá đau lòng, không biết chia sẻ cùng ai nên nhắn cho tôi. Anh tôi tuy sống tình cảm nhưng lại cục tính. Bao lần chứng kiến anh chị nói nhau vì những chuyện không đâu, đa phần là do anh, nhưng người nhịn cuối cùng là chị. Chị cũng có em gái, những chuyện như vậy đáng ra tâm sự với em gái, nhưng chị lại nói với tôi, phải thương lắm thì người ta mới có thể trải lòng. Vì thế, tôi càng thương chị nhiều hơn. Tôi tự nhủ với lòng, sau này mình đi làm dâu, sẽ cố gắng làm một người chị dâu tốt, như chị dâu tôi đã tốt với tôi vậy.
Mẹ tôi bảo thời mẹ làm dâu rất khổ, nên bây giờ mẹ thương con dâu để bù đắp lại những thiệt thòi của mình. Thân là đàn bà, gánh trên vai bao nhiêu thiên chức, lại phải nhọc nhằn nhón chân đi qua những dèm pha xét nét. Có người chịu đựng được, có người nửa đường buông gánh. Có rất nhiều chị như tôi biết, bỏ chồng không phải vì chồng, mà vì mẹ chồng, em chồng tai quái quá. Chồng đứng giữa loay hoay không biết xử sao cho phải, cuối cùng chị em “thương mình phải cứu lấy mình”. Những cuộc chia tay như vậy, nghĩ cho cùng rất xót đắng.
Có cô em kể với tôi, ở nhà mẹ đẻ chẳng biết dậy sớm là gì. Đêm đầu tiên ở nhà chồng, đặt đồng hồ báo thức, chuông chưa kêu đã nhấp nhỏm dậy năm lần bảy lượt. Đến bữa cơm, nhà chồng đông người, cứ canh chừng xem ai sắp ăn xong để đỡ bát lấy cơm tiếp, làm gì cũng dè chừng sợ bắt lỗi. Cô vốn nấu ăn rất chuẩn, thế mà chẳng hiểu sao về nhà chồng, bữa thì cơm nhão nhoét, bữa thì canh mặn chát hoặc cay không ai ăn nổi. Sau này mới phát hiện ra cô em chồng “chơi khó” chị dâu mới, lén thêm muối thêm ớt vào nồi canh, thêm nước vào nồi cơm đang sôi dở. Biết rồi khóc dở mếu dở, tự nhủ coi như em chồng thử thách sự chịu đựng của mình vậy. Thà không biết, biết rồi chỉ để uất ức thêm.
Tôi nhiều khi vẫn cố cắt nghĩa vì sao, có nhiều bà mẹ, nhiều cô em lại khắt khe quá mức với dâu con nhà mình như vậy. Những cô con gái xa rời gia đình ruột thịt, xa rời nơi mình được sinh ra và lớn lên ngót hơn hai mươi năm trời để trở thành “người nhà mình” suốt cả quãng đời còn lại. Nghĩ cho cùng không tránh khỏi đôi lúc chạnh lòng, nhiều khi hờn tủi. Họ đến, yêu thương con mình, anh mình, sinh con đẻ cái cho gia tộc mình, có khi là chăm lo cho mình nữa. Có thể có nhiều thiếu sót, có thể vụng dại một chút, lẽ nào không thể xí xóa cảm thông?
Trót sinh ra phận đàn bà, lẽ thường, ai rồi cũng sẽ làm dâu, làm mẹ. Người đời bạc với nhau đã đành, cớ sao về nhà vẫn còn phải gồng mình đối phó với nhau? Người ta bảo “cây xanh thì lá cũng xanh”, sao không đối xử với người như mình muốn được như thế. Hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu cảm giác của những người bị ta đối xử tệ, chắc chắn không dễ chịu chút nào. Đàn bà ơi, tử tế với nhau một chút, vì đời vốn ngắn có dài rộng gì đâu.
Tác giả bài viết: Lê Giang