Du lịch

Ra cánh đồng muối chụp ảnh đẹp lung linh

Vẻ đẹp của cánh đồng muối luôn là niềm cảm hứng của các nhiếp ảnh gia. Ra đây chơi, bạn còn được quan sát một ngày lao động của diêm dân.

Việt Nam có rất nhiều cánh đồng muối, ở các điểm du lịch nào hầu như cũng có. Đây là nơi bạn sẽ được những trải nghiệm mới, hiểu biết về cuộc sống của các diêm dân. Và điều quan trọng hơn, bạn sẽ có những bức ảnh tuyệt vời bởi khung cảnh ở đây lúc nào lên ảnh cũng thật long lanh.

Hãy tham khảo những địa danh dưới đây và thử đến đó một lần xem sao nhé:

Cà Ná (Ninh Thuận)

Muối Cà Ná được giới chuyên môn đánh giá là loại muối tốt nhất ở Đông Nam Á. Ảnh: Vĩnh Hy.


Ra khỏi thành phố Phan Rang Tháp Chàm chừng 30 km là đến Cà Ná, một làng chài nhỏ nằm giáp ranh giữa Ninh Thuận và Bình Thuận. Cuộc sống ở đây yên bình khi ngày ngày ngư dân ra khơi đánh cá, diêm dân cào muối. Với hơn một nghìn ha ruộng muối trải dài theo bờ biển, Cà Ná nổi tiếng là “kho muối” lớn nhất nước.

Dựa vào các gộp đá trên bờ, người ta đắp thành những ô ruộng muối rộng đến hàng chục ha mỗi ô. Muối Cà Ná được giới chuyên môn đánh giá là loại muối tốt nhất ở Đông Nam Á. Ngoài ra, Cà Ná còn là điểm du lịch lý tưởng với nhiều bãi tắm hoang sơ, trong xanh, phong cảnh hữu tình.

Phương Cựu (Ninh Thuận)

Phương Cựu được xem là một trong những cánh đồng muối lớn nhất miền Trung nằm cách thành phố Phan Rang khoảng 15 km, thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Màu trắng xóa bạt ngàn của đồng muối nổi bật giữa nền trời xanh ngắt và màu nâu của ruộng đồng tạo nên nét đặc trưng cho vùng đất nắng gió. Đến đây, bạn được nhìn thấy khung cảnh sống động kết hợp giữa vẻ đẹp của cảnh quan tự nhiên với vẻ đẹp của sự hăng say lao động.

Người dân dẫn nước biển vào những thửa ruộng, sau một thời gian nước bốc hơi để lại những hạt muối trên cánh đồng. Muối được cào thành gò nhỏ cho khô sau đó thu gom về các kho trữ muối thô, rồi được đưa về các nhà máy để làm sạch trước khi mang ra thị trường. Những gánh muối trắng ngần chất chứa biết bao giọt mồ hôi của diêm dân nơi này.

Hải Hậu (Nam Định)

Người dân ở huyện Hải Hậu của tỉnh Nam Định đã gắn bó với nghề làm muối từ đời này qua đời khác. Nằm cạnh biển, sát ngay dưới chân đê, cả cánh đồng muối chạy tít tắp, xen kẽ hai màu trắng đen. Ô đen là sân phơi cát, ô trắng là sân phơi muối, ở giữa là những rãnh nước nhỏ dẫn nước biển vào ruộng.

Cảnh hoàng hôn dần buông trên những cánh đồng muối trải dài dọc bờ biển đẹp như tranh vẽ. Trong bóng chiều nhập nhoạng, những đôi tay chai sần thoăn thoắt cào muối không phút ngơi nghỉ. Sau đó, những đôi chân trần gân guốc hì hục kéo mấy chiếc xe cút kít chở đầy muối về nhà sau một ngày nhọc nhằn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Bóng những người diêm dân như một nét chấm phá cho khung cảnh cánh đồng muối rộng lớn.

Diêm Điền (Thái Bình)

Một ngày làm muối của người dân Diêm Điền bắt đầu từ sáng sớm. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn


Làng nghề làm muối Diêm Điền nằm cách thủ đô Hà Nội 110 km về phía đông nam, thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong 3 khu dự trữ sinh quyển lớn nhất của vùng châu thổ sông Hồng. Làm muối là nghề truyền thống có từ rất lâu đời ở nơi này. Từ tháng 4 đến tháng 7, nhất là tháng 4 và tháng 6 có gió nồm và nắng gắt là thời điểm diêm dân thu hoạch được những hạt muối trắng to, đậm vị và chắc nhất.

Một ngày làm muối của người dân Diêm Điền bắt đầu từ sáng sớm. Đầu tiên là công đoạn làm đất. Người dân ngâm cát cùng nước biển rồi đem cát san đều, phơi trên ruộng đất và tưới nước biển lên sân phơi, rắc muối mồi. Khi cát khô, trên từng hạt cát sẽ kết tinh từng hạt muối nhỏ. Từ 12 giờ đến 1 giờ trưa, sử dụng khúc xạ kế đo độ mặn nước biển để xác định nồng độ muối. Khoảng 2 giờ chiều, muối bắt đầu kết tinh và được gom thành từng ụ cho bốc hết hơi nước và đóng vào bao.

Đến Diêm Điền, ngoài chiêm ngưỡng cánh đồng muối trắng tinh, du khách còn được thưởng thức một số đặc sản nổi tiếng như mắm cáy, sứa chua và kết hợp du lịch rừng ngập mặn Thụy Trường, đình An Cổ, phủ thờ chúa Muối và khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh.

Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)

Cánh đồng muối Sa Huỳnh thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi được hình thành từ thế kỷ 19. Đến nay, đồng muối này nổi tiếng là vựa muối quan trọng ở miền Trung. Từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch hàng năm, diêm dân luôn tất bật trên đồng. Ánh mặt trời rực rỡ chiếu lên những ruộng muối nối tiếp nhau, soi rọi những đụn muối trắng tinh tạo nên một bức tranh độc đáo.

Đồng muối Sa Huỳnh được đầu tư xây dựng 6 tuyến đê bao với chiều dài hơn 5 km nhằm mục đích cải tạo phát triển. Từ năm 2011, diêm dân ở đây không làm muối trên nền đất nữa mà làm muối trên nền lót bạt hay nền xi măng. Phương pháp mới đó giúp giảm tạp chất đất cát lẫn trong muối, giá bán tăng mà thời gian một vụ mùa làm muối được rút ngắn.

Hòn Khói (Khánh Hòa)

Cánh đồng muối Hòn Khói trắng xóa bên vịnh Vân Phong luôn là niềm cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia. Ảnh: Vũ Tường Chiểu.


Nằm cách thành phố Nha Trang khoảng hơn một giờ đi xe theo hướng Bắc, trên địa bàn huyện Ninh Hòa, cánh đồng muối Hòn Khói trắng xóa bên vịnh Vân Phong tạo nên cảnh quan đẹp lạ. Xin phép xí nghiệp muối Khánh Hòa, bạn sẽ được vào đây chứng kiến cánh đồng muối đẹp lung linh khó tả trong ánh ban mai. Diêm dân ở đây chủ yếu là nữ giới.

Một ngày làm việc của các cô, các chị bắt đầu từ lúc mặt trời còn chưa mọc để tránh cái nóng gay gắt. Họ ngâm cát cùng nước biển, san đều cát rồi rắc muối mồi. Thay vì gánh bằng thúng, hiện người ta dùng xe rùa chở muối để đỡ tốn công sức. Từng ụ muối được đưa lên bờ cho bốc hết hơi nước. Mọi người đeo găng tay cao su dày và mang ủng để tránh tác hại từ nồng độ mặn cao của nước biển khi đóng muối vào bao. Đến đây tham quan rồi kết hợp đi Dốc Lết, bạn sẽ có một hành trình khám phá thú vị khi đến Khánh Hòa.

Ba Tri (Bến Tre)

Xã Bảo Thuận là một trong bốn xã ven biển của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre có nghề làm muối. Nếu như người miền Trung chọn cát biển thì người miền Nam lại dùng đất thịt để làm bề mặt ruộng. Do đó khi chuẩn bị ruộng muối, người ta dùng một loại dụng cụ chuyên biệt để lăn nhằm tạo bề mặt bằng phẳng. Nước biển sẽ được dẫn vào thông qua hệ thống kênh rạch nội đồng vì đồng muối ở đây nằm sâu trong bờ đê.

Sau một ngày, diêm dân Ba Tri sẽ rải muối mồi, giúp muối của nước biển trong ruộng kết tinh trong khoảng 3 đến 4 tiếng. Trung bình sau 2 ngày, người dân xã Bảo Thuận sẽ dùng ky thu hoạch muối mang về kho. Dưới nắng vàng rực rỡ, những ụ muối ánh lên sắc màu lấp lánh, vẽ nên khung cảnh đẹp lung linh.

Đông Hải (Bạc Liêu)

Đông Hải là một trong hai huyện làm muối hiện nay ở tỉnh Bạc Liêu. Mùa làm muối bắt đầu khoảng tháng 12 đến tháng 4 dương lịch. Vùng ven biển Bạc Liêu có nhiều lợi thế làm muối nhờ độ bay hơi nước biển rất cao, độ hấp thụ nhiệt của đất rất mạnh, kết cấu đặc chặt của đất, các nguyên tố vi lượng trong nước biển.

Muối được sản xuất ở Bạc Liêu có hàm lượng Magiê, Canxi, Sunfat rất thấp do không có các vùng đá vôi ven biển, không gây vị đắng khó chịu mà mang hương vị đậm đà độc đáo. Từ xưa, hạt muối Bạc Liêu đã rất nổi tiếng ở Nam Bộ. Về đây bạn sẽ được tham quan một trong những nơi kinh doanh muối nức tiếng một thời, đó chính là dinh thự của công tử Bạc Liêu.

Long Điền (Vũng Tàu)

Bóng diêm dân nhỏ bé bên ụ muối cao ngất. Ảnh: Nguyen Pho.


Nếu có dịp đến biển Long Hải, bạn hãy theo tỉnh lộ 44A đến huyện Long Điền để nhìn tận mắt những ruộng muối kéo dài xa tít. Bóng diêm dân nhỏ bé bên ụ muối cao ngất. Những chiếc xe cút kít lặng lẽ nối đuôi nhau chuyển muối đi đến khi chiều dần buông. Nắng gắt làm mồ hôi thấm ướt đẫm lưng áo mọi người nhưng ai cũng mong trời nắng. Có thế, muối mới mau thành hình, nếu mưa xuống xem như bao công sức bỏ sông bỏ biển. Vậy mới thấy công việc của diêm dân vất vả trăm bề.

Lý Nhơn (Cần Giờ)

Cách trung tâm TP HCM khoảng 30 km, Cần Giờ được mệnh danh là “ốc đảo” với biển cát đen và những cánh rừng ngập mặn. Ngoài ra, nơi đây còn có những làng nghề làm muối lâu năm. Một trong hai xã làm muối ở Cần Giờ là xã Lý Nhơn.

Mùa thu hoạch muối thường kéo dài từ khoảng tháng 12 đến tháng 5 dương lịch. Với nông cụ thô sơ, việc làm muối khá đơn giản, chỉ đắp nền đất cứng, dẫn nước biển vào ruộng, phơi qua vài con nắng, nước biển sẽ tự kết tinh thành muối thô. Tuy nhiên nhìn cảnh diêm dân phơi nắng gánh muối lên bờ mới thấy hết nỗi vất vả của nghề này để thêm trân trọng những hạt ngọc trắng mặn mà kết tinh từ biển cả.

Tác giả bài viết: Vĩnh Hy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP