Thế giới

Quyền lực của Trump trong vấn đề nhập cảnh lớn tới đâu?

Hiến pháp Mỹ trao cho Tổng thống quyền thực hiện các hoạt động đối ngoại và xử lý vấn đề nhập cư, nhưng quyền lực này có thể bị giám sát.

Donald Trump (trái) và thẩm phán liên bang James Robart. Ảnh: Telegraph
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/1 ký sắc lệnh cấm người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo chiếm đa số nhập cảnh vào Mỹ. Sau đó, ngày 3/2, thẩm phán Seattle James Robart lại ra phán quyết bác bỏ các điều khoản chính trong sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới ban hành.

Sau khi ông Robart ra lệnh, Bộ Tư pháp ngày 4/2 gửi đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang Mỹ Khu vực 9 (cao hơn tòa của ông Robart một bậc) để yêu cầu đảo ngược phán quyết. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã bác yêu cầu ngay lập tức khôi phục lệnh cấm nhập cảnh. Tòa đề nghị bên khởi kiện là hai bang Washington và Minnesota cùng bên kháng cáo là Bộ Tư pháp Mỹ trình thêm thông tin với hạn chót lần lượt là vào ngày 5/2 và 6/2.
Theo New York Times, dù chưa đi đến hồi kết song cuộc chiến pháp lý giữa chính quyền Trump và hệ thống tòa án đã giúp trả lời các câu hỏi như: Quyền hiến pháp độc lập mà tổng thống Mỹ nắm giữ trước vấn đề nhập cảnh mạnh đến đâu? Và Quốc hội trao cho người đứng đầu Nhà Trắng bao nhiêu quyền lực?
Quyền lực hiến pháp của tổng thống Mỹ mạnh đến đâu?

Theo Tòa án Tối cao Mỹ, Điều II Hiến pháp trao quyền cho tổng thống thực hiện các hoạt động đối ngoại và xử lý vấn đề nhập cư.

Trong bản tóm tắt hồ sơ gửi thẩm phán Robart, các luật sư bang Washington, một trong hai nguyên đơn, cùng bang Minnesota, chỉ ra rằng những quyền hành trên có thể bị giám sát. Văn bản nêu rõ dù tòa án thường trao nhiều quyền hạn cho nhánh lập pháp và hành pháp trong vấn đề nhập cư nhưng điều đó không đồng nghĩa họ có quyền hành động mà không bị kiểm soát. "Tòa án liên bang có vai trò không gì thiêng liêng hơn là bảo vệ những nhóm thiểu số chống lại các hành vi bất hợp lý, phân biệt đối xử".

Tại Khu vực 9, chính quyền Trump cho rằng các thẩm phán không có quyền quyết định những trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia bởi "không giống như Tổng thống, tòa án không được tiếp cận thông tin mật về mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố hoạt động tại những quốc gia nhất định, âm mưu của những nhóm này nhằm xâm nhập Mỹ hay các thiếu sót trong quá trình rà soát".

Noah G. Purcell, tổng chưởng lý bang Washington, thừa nhận tại tòa rằng có những lĩnh vực ông Trump được quyền hành động. Nhưng ông cũng yêu cầu tòa án bảo vệ những người có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mà Tổng thống Mỹ ban hành.

"Trọng tâm trong yêu cầu của chúng tôi là những người đã ở đây nhưng sau một đêm bị mất quyền đi lại, mất quyền thăm viếng gia đình, mất quyền thực hiện các nghiên cứu, mất quyền phát biểu tại các hội nghị trên toàn thế giới. Và kể cả những người đã sống tại Mỹ nhiều năm nhưng không may phải ra nước ngoài đúng thời điểm lệnh được ban bố, vì thế đột nhiên mất quyền trở lại Mỹ", ông Purcell nhấn mạnh.
Quốc hội trao cho tổng thống Mỹ quyền gì?

Hôm 3/2, tại phòng xử án Seattle, để bảo vệ sắc lệnh hành pháp Tổng thống Trump đưa ra, Michelle Bennett, luật sư thuộc Bộ Tư pháp, viện dẫn một phán quyết từ Tòa án Tối cao Mỹ năm 1952, bác bỏ khẳng định của tổng thống Harry S. Truman rằng ông có quyền thu giữ các nhà máy thép trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Điểm quan trọng nhất trong phán quyết trên là thẩm phán Robert H. Jackson lúc bấy giờ đã đặt ra khuôn khổ cho việc xem xét các xung đột giữa quyền lực tổng thống và quyền hạn của Quốc hội. Tổng thống có quyền lực cao nhất nếu hành động theo sự cho phép từ Quốc hội và quyền lực trung bình khi Quốc hội im lặng. Quyền lực tổng thống "xuống thấp nhất" khi Quốc hội ngăn cản một hành động cụ thể, thẩm phán Jackson viết và thêm rằng những hành động của tổng thống Truman rơi vào khu vực ba.
Theo luật sư Bennett, sắc lệnh Tổng thống Trump ban bố thuộc về khu vực một. "Ở đây, Tổng thống đã hành động dựa trên quyền lực mà Quốc hội trao cho", ông Bennett nói.

Một phần quan trọng trong luật nhập cư cũng mang đến cho tổng thống quyền hạn lớn hơn. Theo đó, bất cứ khi nào nhận thấy sự xâm nhập từ bên ngoài vào Mỹ gây hại đến lợi ích quốc gia, tổng thống có thể đưa ra thông báo chính thức. Và trong khoảng thời gian này, nếu thấy cần thiết, tổng thống có thể đình chỉ hoặc hạn chế việc nhập cảnh.

Nhưng một phần khác của luật lại cấm hành vi phân biệt đối xử "chủng tộc, giới tính, quốc tịch, nơi sinh hoặc nơi cư trú" song chỉ "trong việc cấp visa nhập cảnh".

Tuy nhiên, chính quyền Trump lập luận rằng quyền hạn cấm nhập cảnh của tổng thống có phạm vi áp dụng rộng rãi hơn so với quy định giới hạn việc ban hành thị thực.

Các luật sư đại diện bang Washington cho rằng sắc lệnh cấm nhập cảnh đã vi phạm Tu chính án thứ nhất về việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo của công dân.

"Tổng thống Trump cùng các cố vấn đã cho thấy rõ ràng rằng mục tiêu của lệnh này là nghiêng cán cân về phía có lợi cho những người tị nạn Thiên chúa giáo" và xa rời người Hồi giáo, các luật sư viết trong kiến nghị gửi thẩm phán Robart.

Chính quyền Trump trong khi đó thúc giục Khu vực 9 bãi bỏ các lập luận dựa trên vấn đề phân biệt tôn giáo, ngay cả khi Tổng thống Trump từng tuyên bố ông cố tình ưu ái người tị nạn Thiên chúa giáo. Theo họ, việc xem xét tư pháp về động cơ của tổng thống sẽ vi phạm nguyên tắc phân quyền.
Mô hình tam quyền phân lập trong chính quyền liên bang Mỹ. (Click vào hình để xem kích cỡ lớn hơn)> Đồ họa: Tiến Thành

Tác giả bài viết: Vũ Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP