Trước khi đọc bài viết này, bạn có thể chạm nhẹ tay lên má mình. Nếu bạn cảm thấy chúng hơi khô hoặc đang bị bong da một chút thì đó là thời điểm thích hợp để bắt đầu công việc tẩy da chết.
Mỗi một nguyên liệu, công thức tẩy tế bào chết thường chỉ phát huy tối đa công dụng trên một loại da nhất định. Vậy nên trước khi tìm kiếm công thức phù hợp, bạn nên kiểm tra xem da mình thuộc loại da dầu, da khô hay da nhạy cảm. Việc tẩy da chết nên được tiến hành 1-2 lần/tuần trên mọi loại da. Hoạt động này không chỉ giúp da bạn sáng hơn mà còn giảm thiểu mụn trứng cá, nám da hay các vấn đề do lão hóa gây ra.
Nhìn chung, các hỗn hợp tẩy da chết đều tuân theo công thức:
Nguyên liệu có công dụng tẩy da chết
+ Nguyên liệu có dạng dầu hoặc chất lỏng
+ Nguyên liệu có tác dụng thêm vào.
Một ví dụ đơn giản là công thức tẩy da chết với đường, dầu oliu và chanh. Trong công thức này, đường là thành phần có tác dụng lấy đi lớp tế bào chết còn lưu trên da, dầu oliu là thành phần dạng dầu, còn chanh là nguyên liệu thêm vào giúp làm sạch da, sáng da và cung cấp một số loại vitamin cần thiết.
Dùng gì để tẩy da chết?
Tất cả những gì bạn cần làm sau khi xác định rõ loại da của mình là lựa chọn 3 thành phần thuộc 3 dạng trên sao cho chúng không phản ứng với nhau và phù hợp với loại da của mình. Tiếp đó, hãy trộn đều chúng, đắp lên mặt và massage da mặt theo chuyển động tròn khắp các khu vực từ trán xuống cằm. Rửa sạch lại với nước ấm và đừng quên sử dụng một chút toner sau khi tẩy da chết là tất cả những gì bạn cần lưu ý.
Sau đây là một số gợi ý cho việc lựa chọn nguyên liệu theo từng thành phần của công thức trên:
Lòng trắng trứng: Lòng trắng trứng làm căng và săn chắc da, giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa.
Sữa chua: Axit lactic trong sữa chua làm sáng da. Lượng protein và chất béo có trong nguyên liệu này cũng giúp da khỏe mạnh hơn.
Nha đam: Nha đam cấp nước, khiến da trở nên mịn màng và khỏe mạnh. Chưa kể, chúng còn có công dụng lớn trong việc giảm viêm và giảm đau.
Dầu dừa: Các chất béo trong dầu dừa có tác dụng dưỡng ẩm trong khi axit lauric giúp bảo vệ và làm mềm da. Dầu dừa cũng là chất giúp khử trùng và duy trì độ pH cân bằng cho da.
'Hạnh nhân: Hạnh nhân nuôi dưỡng và giúp da bạn giữ lại độ ẩm cần thiết kể cả sau khi bị rửa trôi. Ngoài ra, chúng cũng cung cấp lượng lớn vitamin A và E cho da.
Baking soda: Bột baking soda làm sạch da, đồng thời quét đi lớp tế bào chết. Chúng là lựa chọn lý tưởng cho da dầu vì loại bột này dễ dàng hút bớt lớp dầu thừa trên da.
Bột gạo: Bột gạo giúp làm sáng mịn da, đồng thời giảm thiểu nết nhăn.
Bột yến mạch: Bột gạo và bột yến mạch xử lý tế bào chết theo tác động vật lí trong quá trình massage da mặt. Bột yến mạch còn giúp làm thoáng lỗ chân lông và giảm kích ứng da.
Bơ: Bơ cung cấp chất béo và đổ ẩm cần thiết cho da khô. Loại quả giàu chất chống oxy hóa này sẽ ngăn chặn quá trình lão hóa da.
Nghệ: Nghệ giúp giảm mụn và làm mờ các vết sẹo do mụn gây ra.
Mùi tây: Mùi tây có tác dụng rõ rệt trên các vết nám và quầng thâm mắt.
Mật ong: Mật ong diệt vi khuẩn và đóng vai trò như một chất giúp làm dịu da. Chúng cũng rất hữu ích trong việc giảm viêm da và viêm nang lông.
Với những nguyên liệu và tác dụng như trên, bạn hoàn toàn có thể "sáng chế" ra những công thức phù hợp với làn da của mình. Tham khảo một số công thức tẩy da chết tiêu biểu cho từng loại da dưới đây:
Da khô
Hạnh nhân, dầu dừa và bơ sẽ là sự kết hợp hoàn hảo cho da khô. Việc dễ dàng hấp thụ các chất béo tốt có trong 3 thành phần trên giúp da bạn duy trì độ ẩm cần thiết sau khi tẩy da chết, tránh da bị khô và bong tróc.
Da nhờn
Đối với da nhờn, lòng trấng trứng, baking soda và bột nghệ sẽ giúp điều tiết lượng dầu, đồng thời cân bằng độ pH của da. Điều này sẽ khiến lượng nhờn da bạn tiết ra sau khi tẩy da chết giảm đi rất nhiều.
Da thường
Da thường không quá kén chọn các loại hỗn hợp tẩy da chết. Bạn có thể lựa chọn bột gạo, sữa chua và mùi tây để loại bỏ lớp tế bào chết, đồng thời cải thiện độ sáng của da mặt.
Da nhạy cảm
Nha đam, bột hạnh nhân và mật ong là sự lựa chọn lý tưởng cho những bạn sở hữu làn da nhạy cảm. Chúng có tác dụng giảm viêm, chống sưng với những tác động nhẹ dịu, không gây kích ứng.
Tác giả bài viết: Lệ Ngân