Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo theo các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025, năm 2023 Quảng Bình đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 20.360 người, tập trung ở các nghề du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, điện, may công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp …tạo cơ hội cho người lao động tham gia thị trường lao động, tìm kiếm việc làm mới.
Đại biểu huyện Bố Trạch tham dự Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực thực hiện công tác cho vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. |
Về công tác vay vốn giải quyết việc làm, theo số liệu báo cáo của NHCSXH tỉnh Quảng Bình, năm 2023 dư nợ đạt 840,2 tỷ đồng, với 16.062 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn còn dư nợ, riêng năm 2023 tạo 7.704 lao động có việc làm mới; cho vay xuất lao động ở nước ngoài dư nợ đạt 2,6 tỷ đồng với 45 khách hàng còn dư nợ.
Về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP cho vay giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 370 tỷ đồng, giúp 6.692 lao động được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Điển hình là gia đình các chị: Nguyễn Thị Hoàn, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Thuỷ, trước đó thuộc diện hộ cận nghèo tại thôn 2 Pháp Kệ, xã Quảng Phương. Cuối năm 2019, các chị được vay 50 triệu đến 155 triệu từ 3 chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cùng với sự hướng dẫn cách đầu tư phát triển sản xuất để nuôi bò, nuôi heo sinh sản... Đến năm 2021, chị Hoàn, chị Hương và chị Thuỷ đã thoát nghèo và đã trở thành một trong những hộ vay có nguồn thu nhập ổn định.
Ngân hàng CSXH huyện Quảng Trạch đẩy mạnh việc cho vay giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng. |
Chị Hoàn chia sẻ: "Nơi tôi sinh sống phần lớn bà con không biết tính toán làm ăn, lại thêm ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt, đất sản xuất hoang hóa, bạc màu, thiếu vốn sản xuất nên đời sống còn nhiều khó khăn. Sau khi vào Tổ TK&VV của chị Hiền, thôn 2 Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tôi quyết tâm xây dựng một mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nói là làm, chị mạnh dạn vay vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách mua 04 con bò sinh sản và xây chuồng trại chăn nuôi, cùng 02 con lợn nái sinh sản".
Nhờ cần cù chịu khó, lại được cán bộ hướng dẫn chăn nuôi đúng kỹ thuật, đến nay gia đình chị Hoàn đã bán ra thị trường hơn chục con giống cho bà con trong xã và các vùng lân cận. Mỗi năm, thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Ngoài chị Hoàn còn nhiều hộ nghèo và cận nghèo khác đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH nên đã thoát nghèo và hiện có thu nhập ổn định.
Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH nên chị Hoàn đã thoát nghèo và hiện có thu nhập ổn định. |
Năm 2023 cũng là năm đánh dấu thành tích nổi bật trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, có trên 6.000 lao động được giải quyết việc làm thông qua hoạt động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình đã tổ chức 60 phiên giao dịch việc làm; có 23.996 lượt người được tư vấn về các chế độ, chính sách việc làm, học nghề; 2.286 lượt người được giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển lao động; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 3.683 người; 112 người được hỗ trợ học nghề.
Tư vấn nghề nghiệp và việc làm cho chiến sĩ công an sau nghĩa vụ năm 2023. |
Có thể nói, những kết quả về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở Quảng Bình đạt được trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời thúc đẩy kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng ngành và từng địa phương nhằm đảm bảo phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có.
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết: Tính đến cuối năm 2023, có 20.360/18.500 lao động được giải quyết việc làm, đạt 110% so với kế hoạch. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 17.250/17.000 người (đạt 101,4%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 68,9% (đạt 100,3% so với kế hoạch). Kết quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 0,95/0,8% so với năm 2022, đạt 118,7% (hiện còn 10.473 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,05%); hộ cận nghèo giảm 0,75/0,5% so với năm 2022, đạt 150% (hiện còn 10.379 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,01%).
BTC giải bóng đá nam, nữ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục dạy nghề. |
Bước sang năm 2024, tỉnh Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện các biện pháp giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: congly.vn