Quảng Bình có gần 5.000 tàu cá các loại, trong khi vẫn thiếu các khu neo đậu tránh trú bão. |
Theo Quyết định 677/QĐ-BNN-KH của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Bắc sông Gianh, dự án được xây dựng tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) với các hạng mục công trình đầu tư gồm: Đê chắn sóng, chắn cát; trụ neo; phao neo; hệ thống phao tiêu báo hiệu; đèn tín hiệu; hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng; nạo vét luồng lạch, vùng nước neo đậu và khu hạ tầng kỹ thuật cho cảng cá để cung cấp dịch vụ hậu cần cho tàu cá, bảo đảm hoạt động sản xuất cho các loại tàu cá có công suất đến 1.000 CV ra vào, cập bến lên xuống hàng hóa.
Diện tích đất, mặt nước xây dựng là 60ha (diện tích mặt nước 50ha). Tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương đầu tư 334 tỷ đồng; ngân sách địa phương đền bù giải tỏa mặt bằng 16 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm.
Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Bắc sông Gianh do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là xây dựng các hạng mục của khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá Bắc sông Gianh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình với quy mô 800 - 1.000 tàu thuyền có công suất từ 300 đến 1.000 CV vào neo trú bão an toàn và cập cảng bốc xếp hàng hóa, phục vụ phát triển nghề cá của Quảng Bình và các tỉnh lân cận vùng duyên hải Trung bộ. Cụ thể, tàu có công suất từ 500 - 1.000 CV là 200 - 400 tàu; tàu có công suất từ 300CV đến dưới hoặc bằng 500CV là 250 tàu; tàu có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 300CV là 350 tàu.
“Quảng Bình là địa phương có thế mạnh trong khai thác, đánh bắt thủy sản, số lượng tàu thuyền lớn, gần 5.000 chiếc, trong khi các khu neo đậu hiện có đang quá tải. Việc đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá khu vực Bắc sông Gianh là hết sức cần thiết, bảo đảm an toàn không chỉ với ngư dân trong tỉnh mà còn với ngư dân các tỉnh miền trung đưa tàu thuyền vào tránh, trú mỗi khi có bão”, ông Lê Văn Lợi cho biết thêm.
Tác giả: HẠNH NHUNG
Nguồn tin: Báo Kinh tế & Đô thị