Tin địa phương

Quảng Bình: Hoang sơ điểm đến Hung Lầm

Lọt giữa thung lũng bao quanh là những dãy núi đá vôi kỳ vĩ thuộc vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng, khe Hung Lầm (thuộc vùng núi Hung Lầm, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn còn khá hoang sơ. Nhưng với dòng suối trong xanh mát rượi len lỏi qua các khe đá cùng với chủ nhân "thổ địa" nhiệt tình, vui tính, du khách sẽ có những phút giây trải nghiệm thú vị, thư giãn với những món ăn dân dã đậm đà hương vị thôn quê...

Vừa nướng gà, ông Ánh vừa chuyện trò vui vẻ.

Khe Hung Lầm và chủ trang trại năng động

Dọc theo đường Hồ Chí Minh nhánh đông, đi qua các địa danh: di tích lịch sử Khe Gát, cầu Sến, gần chạm chân đèo Đá Đẽo là dốc Đá Tương, bên trái đường có một lối mòn dẫn vào Hung Lầm. Lối đi ngoằn ngoèo, dốc trũng qua một khe suối nhỏ, cuốc bộ hoặc ngồi xe máy chạy tầm vài ba trăm mét là đến khe Hung Lầm.

Vì có hẹn trước, chúng tôi được chủ trang trại nhiệt tình chờ đón từ đầu lối mòn. Người thích thong dong cuốc bộ, người thì được ông chủ và con trai ông chủ "tăng bo" trên chiếc xe máy "cà tàng". Thoáng chốc, chúng tôi đã chạm chân đến khe suối, nước từ trong lòng đất trào lên, mát lạnh.

Hiện đang sở hữu một vạt rừng cao su khá rộng lớn cùng một đàn dê, gà, bò..., chủ trang trại Nguyễn Khắc Ánh cho biết: Xưa kia ở đây rừng núi hoang vu, cây cối um tùm, người dân chủ yếu vào rừng đẵn gỗ để mưu sinh, đi qua con suối nhỏ đẹp mà lại có nhiều đoạn giống nhau nên dễ bị nhầm đường (tiếng địa phương gọi là "lầm"). Nhiều người bị lầm như vậy sau này thành quen nên gọi là Hung Lầm. Còn "hung" tiếng địa phương là chỉ vùng đất, khoảng đất trũng, thấp xuống.

Sau một hồi nghỉ ngơi, tận hưởng không khí giữa những tán rừng cao su mùa thay lá hay mò cua, bắt ốc loanh quanh con suối nhỏ hiền hòa, khách có thể thưởng thức các món ăn bình dị do chính gia chủ chế biến bởi thịt dê, gà có sẵn; chẹc hé (chắc và cứng hơn cua đồng), cá, tôm khe hay ốc được bắt từ dưới khe từ đêm trước...

Vừa thoăn thoắt làm món gà nướng, vừa vui vẻ chuyện trò, ông Ánh nhớ về khoảng thời gian nhọc nhằn mưu sinh. Đó là vào những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước, ông Ánh trở về địa phương với chế độ thương binh 2/4 (mất sức lao động 62%) sau khi tham gia quân tình nguyện tại Cămpuchia (1984-1987).

Những năm tháng khó khăn, vất vả chung, cũng như nhiều gia đình khác, nhà ông Ánh lên vùng đất này để khai hoang, làm nương rẫy theo chính sách của Đảng và Nhà nước. Lúc bấy giờ, nơi đây heo hút, ít có bước chân người. Sau này, được Nhà nước quan tâm, ông Ánh được cấp 3ha đất vùng này để trồng cao su. Nhằm tận dụng diện tích đất đai và cải thiện đời sống, ông chăn thả thêm vật nuôi và trồng thêm rau các loại.

"Đến nay, nhà tôi có trên 1.500 gốc cao su, đàn dê 50 con, 6 con bò và một đàn gà thả. Số lượng dê, gà biến động liên tục nhờ sức tiêu thụ của du khách ghé thăm trang trại"- ông Ánh cười vui.

Đến một khu du lịch sinh thái trong nay mai

Thời gian gần đây, gia đình ông Ánh tiếp đón nhiều du khách hơn trước. Từ khoảng đầu tháng 2 đến nay, hầu như ngày nào cũng có khách ghé thăm, những ngày nghỉ, khách đến đông vui hơn. Trung bình mỗi ngày phục vụ ẩm thực cho khách, ông Ánh thu khoảng 3-5 triệu đồng, trừ các chi phí, gia đình ông Ánh lấy công làm lãi cũng được khoảng 300-500 nghìn đồng.

Đàn dê thả quanh trang trại- thực phẩm sạch cung cấp bữa ăn cho du khách.

"Thực ra, tôi cũng chưa có điều kiện để kinh doanh, buôn bán lớn. Dạo này, cao su rớt giá; bù lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng trên mảnh đất mà gia đình từng chọn để khai hóa phong cảnh hữu tình, mát mẻ.

Tôi muốn tạo điều kiện để mọi người cùng đến thăm, gần gũi với núi rừng, nghỉ ngơi sau những mệt nhọc bởi công việc thường nhật. Những lần tất bật phục vụ khách với các bữa cơm rau dưa, cà muối đạm bạc, tôi cũng chỉ mong được "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", để có ngày trở lại...

Nghĩ đến xây dựng một khu du lịch sinh thái chắc sẽ còn nhiều khó khăn, vì phải đầu tư lớn mà hiện tôi chưa có gì. Mong rằng các cấp, các ngành, đoàn thể tạo điều kiện giúp đỡ thêm. Tôi cùng với vợ và 2 con trai hứa sẽ làm "đến nơi đến chốn" để khách vui lòng."-ông Ánh chân chất.

Chị Trần Thị Thuận, du khách đến từ thị trấn Hoàn Lão cho hay, chị vừa cùng các bạn bè, đồng nghiệp đến khe Hung Lầm, nếu lần sau có dịp chị sẽ hẹn bạn bè quay trở lại. Bởi, đây không chỉ là cảnh đẹp của núi rừng, khe suối, mà nơi đây có thể giúp mọi người trở về tuổi thơ thuở mò cua, bắt ốc, câu cá, tắm sông. Chủ nhà thì lại vui tính, hóm hỉnh kể chuyện đời, chuyện lính, chuyện mưu sinh và chế biến những món ăn rất ngon.

Đặc biệt, "nghệ thuật" chế biến các món dê của ông chủ không chê vào đâu được. Chủ nhà bảo, nếu khách báo sớm, ông sẽ kiếm được dăm ba cân chẹc hé (ngon như cua), ít cá sông kho ăn cơm hoặc nướng hay bắt cho ít ốc... “Sau những ngày mệt nhọc mưu sinh, cần một nơi yên tĩnh để thư giãn, để gắn kết tình cảm bạn bè, Hung Lầm là nơi mọi người nên đến"-chị Thuận chia sẻ.

Hiện nay, ông Ánh cùng vợ và các con trai vẫn cố gắng tạo thêm cảnh quan, như đầu tư trồng cây xanh, xây dựng biển chỉ dẫn, điểm dừng chân, nhà gỗ, mái lá; nuôi thêm dê, gà, heo rừng và trồng các loại cây màu... để cải thiện món ăn theo nhu cầu thực khách. Nhưng để nơi đây trở thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng thu hút du khách bốn phương, cần có sự đầu tư quy mô, bài bản hơn.

Tác giả: Hương Trà

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

  Từ khóa: Hung Lầm , hoang sơ , quảng bình

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP