Người Macoong cùng vui bên ché rượu cần. |
Từ lối ủ rượu độc đáo...
Cộng đồng người Macoong, thuộc nhóm Bru- Vân Kiều, hiện nay có khoảng 1700 người sinh sống tại xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Cũng như một số dân tộc khác ở Quảng Bình, người Macoong cũng có phong tục làm và uống rượu cần, nhưng cách thức chế biến và nghi lễ uống rượu cần đã trở thành một nét bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của tộc người này.
Rượu cần có hương vị thơm dịu, cay nồng, không đậm như rượu đế nhưng rất hấp dẫn người uống. Để có được hũ rượu cần thơm, ngon dâng cúng trong các ngày lễ những người làm rượu rất quan tâm đến những bộ phận cấu thành như nguyên liệu làm rượu, men rượu, cần uống và ché rượu.
Người Macoong coi ché rượu là thứ quý giá trong gia tài của mình. Ché rượu có hình bầu dục như cái chum, nhưng có kích thước nhỏ hơn, màu đen nâu, láng bóng, cao khoảng 50-60cm.
Men rượu cần hoàn toàn khác với men rượu bình thường. Thứ men này được tinh chế từ thân, lá rễ của mười loại cây rừng như mít, cây dong riềng... được nấu cô đặc lại những giọt nước tinh chất, đem trộn với bột nếp rồi tạo thành những hòn men. Loại men này chỉ số ít người phụ nữ trong cộng đồng người Macoong mới làm được, kinh nghiệm này ít được truyền ra ngoài.
Đặc biệt, khi làm men rượu người Macoong phải kiêng kị một số điều như: khi lấy nguyên liệu phải chọn hướng ánh sáng mặt trời và người làm men phải kiêng kị nhiều thứ trong ba ngày, ba đêm (không sát sinh, không đi tắm, không được đưa lửa qua suối...). Nếu vi phạm những điều cấm kỵ này thì men sẽ không có tác dụng, người làm men từ đó cũng không làm men được nữa.
Nguyên liệu làm rượu được lấy từ sắn, ngô, gạo, nếp rẫy, những sản phẩm mà người Macoong tự làm ra. Nhưng nếp vẫn là nguyên liệu được bà con thường sử dụng vì nó cho sản phẩm thơm, ngon, đậm đà nhất và cho ra nhiều rượu nhất.
Người Macoong nấu chín nguyên liệu đem rải ra nong cho nguội rồi trộn đều với men, đùm kín bỏ vào gùi ba đến bốn ngày, khi có mùi thơm và nước cốt chảy ra thì đem trộn với vỏ trấu rồi bỏ vào hũ rượu đã chuẩn bị sẵn, đặt một lớp lá chuối trên mặt, lấy tro bếp rây thật nhỏ, trộn đều với nước làm thành một cái nắp bịt kín miệng bình lại. Sau một tuần có thể dùng được, rượu cần để càng lâu thì càng ngon.
...Đến cách thưởng rượu mang nét văn hóa đặc sắc
Ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết "Uống rượu cần là một hình thức biểu lộ tình cảm của người dân Macoong, nó mang ý nghĩa truyền thống và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Macoong. Rượu cần thường được dùng vào ngày lễ đập trống, cúng cơm mới, lễ cúng giàng... hoặc khi có khách đến bản".
Trước những ngày diễn ra lễ hội, người dân ai cũng đóng góp gạo nếp để làng nấu rượu cần để cúng và mời khách quý. Rượu cần là thứ không thể thiếu trong các lễ hội của người Macoong hiện nay, nó là nét đặc sắc văn hóa của người dân nơi này.
Khi chuẩn bị uống rượu cần, hũ rượu được mở, cắm cần, đặt ngay giữa sân, bên cạnh hũ rượu là một chậu đựng đầy nước suối sạch tinh và trong veo, có một đôi bát hoặc đôi sừng trâu để đong nước khi uống. Trước khi uống rượu, chủ nhà thiết rượu phải cúng ma. Nếu rượu được uống trong nhà thì người chủ nhà phải hướng về phía cột để ới ông bà, tổ tiên, thần rừng, thần núi.
Khi cúng xong, mọi người đều được uống rượu, bất kể gái trai, già trẻ... Người được ưu tiên uống trước thường là khách, chủ nhà, người quan trọng trong cộng đồng hoặc là người cao tuổi. Cứ người trước uống hết mới đến người sau, thứ tự từng bát nước để thể hiện tính công bằng của người Macoong. Trong khi hai người uống rượu, nếu uống xong trước thì không được thả cần khi người kia chưa uống xong, nếu buông cần thì chưa thể hiện tính tôn trọng người uống.
Trước khi uống rượu chủ nhà thường thử xem có thông cần hay chưa, đồng thời để báo cho khách biết là rượu có độc hay không? Tiệc rượu được kéo dài, người uống mang kèn ra thổi, hát say sưa.
Ché rượu cần mang hương vị núi rừng của người Macoong đã làm cho không biết bao nhiêu du khách đến nơi đây không thể quên được, nó thể hiện tính đoàn kết của những con người nơi đây, là nét văn hóa truyền thống, cần được gìn giữ và phát huy.
Tác giả: Thanh Hoa
Nguồn tin: Báo Quảng Bình