Người dân sống gần công viên Nhật Lệ bức xúc về việc công viên Nhật Lệ (phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới) bị Công ty The Royar Việt Nam (công ty) rào chắn để tổ chức lễ hội trình chiếu ánh sáng và thu vé khiến không gian sinh hoạt chung bị ảnh hưởng.
Công viên Nhật Lệ bị rào kín để phục vụ cho Lễ hội Festival ánh sáng |
Ông Trần Anh sống gần công viên Nhật Lệ than phiền “Hàng ngày buổi chiều và sáng sớm chúng tôi vẫn thường ra đây tập thể dục, đi dạo rồi ngồi hóng mát. Giờ có đơn vị đến dựng rào chắn không cho người dân đi lại vào công viên để nhằm mục đích buôn bán đồ ăn, thu tiền vé nếu ai muốn vào xem. Công viên xây dựng là để phục vụ nhân dân có nơi vui chơi, tạo không gian cộng đồng, chứ rào chắn khai thác kinh doanh là không thể chấp nhận được”.
Việc chấp thuận cho công ty rào công viên kinh doanh; trước đó, ngày 1/4/2019, UBND thành phố Đồng Hới đã có công văn số 557/UBND – VHTT gửi UBND tỉnh Quảng Bình về việc xin chủ trương tổ chức trình chiếu hiểu ứng ánh sáng đền Led trong chuỗi các hoát động Tuần Văn hóa- Du lịch Đồng Hới năm 2019. Đến ngày 16/4/2019 UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn số 502 đồng ý chủ trương này.
Vé được bán cho người dân đóng dấu 2 công ty |
Theo đó, sự kiện Festival hiệu ứng ánh sáng nằm trong khuôn khổ các hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch TP Đồng Hới năm 2019. Lễ hội này được chính thức khai mạc vào lúc 19h ngày 23/04 và kéo dài đến hết ngày 12/05 tại công viên Nhật Lệ, TP Đồng Hới.
Tại các công văn số 502/UBND- KGVX của UBND tỉnh Quảng Bình và công văn số 693/UBND-VHTT ngày 18/4/2019 của UBND TP Đồng Hới có nội dung yêu cầu phía Công ty TNHH The Roya lập phương án đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ...
Công viên bị biến thành địa điểm kinh doanh của ban tổ chức sự kiện khiến người dân bức xúc. |
Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Công ty không làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường khác về sử dụng Công viên Nhật Lệ trong suốt thời gian tổ chức chương trình. Thực hiện xin phép tổ chức sự kiện, chỉ trả tiền sử dụng địa điểm, điện, nước và các điều kiện khác đảm bảo đúng quy định.
Tuy nhiên, ngay từ khi triển khai sự kiện này có nhiều phản ánh tiêu cực, bức xúc từ người dân về việc đơn vị tổ chức đã dựng hàng rào kín mít khiến người dân mất lối đi vào công viên để thể dục, thư giãn... Đơn vị tổ chức đứng ra bán vé kinh doanh khi vào tham quan lễ hội, dựng rạp hàng buôn bán giày dép, ăn uống và các hoạt động vui chơi khác như ném bóng, dựng khu vui chơi trẻ em khiến người dân vô cùng bức xúc.
Cây cỏ trong công viên bị dẫm đạp lên. |
Người dân muốn vào xem lễ hội phải mua vé với mệnh giá: người lớn vé 50.000 đồng, trẻ em là 30.000 đồng. Cùng một sự kiện, một đơn vị tổ chức, nhưng vé phát hành được bán tại 2 điểm và đóng dấu 2 công ty khác nhau.
Đơn vị tổ chức ngăn công viên để bán vé xem ánh sáng và lập những gian hàng để doanh ăn uống. |
Ông Võ Trọng Hoàng - Chủ tịch UBND phường Đồng Mỹ cho biết: “Công viên là do Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới quản lý, UBND tỉnh và UBND thành phố Đồng Hới cho phép tổ chức sự kiện. Việc ký hợp đồng cho thuê hay nộp thuế các thứ như thế nào thì phường không nắm, mình không liên quan, khả năng Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới ký hợp đồng ”.
Trong khi đó, ông Phạm Tiến Dũng - Phó giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới cho rằng: “Việc rào công viên là vì đơn vị tổ chức muốn bảo vệ tài sản và thống nhất cho Công ty The Royar Việt Nam tổ chức mà thôi. Theo văn bản chỉ đạo của tỉnh và thành phố, chúng tôi và đơn vị tổ chức chỉ giao ước bằng miệng; chứ không có biên bản nào. Khi nào họ tổ chức xong thì trả lại nguyên trạng như ban đầu thôi”.
Công văn của UBND tỉnh chỉ rõ: Công ty không được gây ảnh hưởng các hoạt động khác khi tổ chức sự kiện. |
Câu hỏi đặt ra, phía đơn vị quản lý Công viên Nhật Lệ dùng tài sản nhà nước giao cho đơn vị tổ chức sự kiện rào chắn không gian công cộng để kinh doanh mà chỉ có giao ước miệng có đúng với quy định của pháp luật?
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo Infonet