Thể thao

Quần vợt Việt Nam sau thất bại tại Davis Cup: Cần chuyên gia trình độ cao

Về mặt con người, quần vợt nam Việt Nam có Lý Hoàng Nam và Nguyễn Hoàng Thiên ở những thứ hạng không thua các tay vợt Hong Kong (Trung Quốc). Không thua về con người nhưng lại thua chung cuộc chứng tỏ đấu pháp có vấn đề. Vậy để nâng tầm đội tuyển, làng banh nỉ cần chuyên gia giỏi hơn.

Nếu tính về thông số, Lý Hoàng Nam với thứ hạng 635 thế giới là tay vợt có thứ hạng tốt nhất trong số những VĐV tham dự trận đấu giữa đội tuyển quần vợt Việt Nam và Hong Kong (phía Hong Kong có Karan Rastogi từng đứng 284 thế giới, nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước, còn hiện giờ Rastogi đã là một lão tướng).

Bằng chứng là đội tuyển quần vợt Hong Kong rất ngại Lý Hoàng Nam, họ xem như đã thua trước chúng ta 2 trận đơn (những trận có Hoàng Nam thi đấu). Và đây mới là vấn đề của đội tuyển Việt Nam: Cầm chắc chiến thắng trước 2 trận nhưng vẫn thua chung cuộc (2-3) thì lại càng thể hiện khâu điều chỉnh lối chơi quá kém.

Cũng về mặt cá nhân, Nguyễn Hoàng Thiên cũng không đến nổi yếu so với các tay vợt Hong Kong (Hoàng Thiên hạng 1.443 thế giới, tay vợt đánh đơn số 2 của Hong Kong là Li Hei Yin Andrew hạng 1.511), nhưng Hong Kong vẫn biết cách khiến Hoàng Thiên thua cả 2 trận đơn, chứng tỏ họ đọc được bài của đội tuyển Việt Nam.
Quần vợt Việt Nam cần chuyên gia giỏi để nâng tầm đội tuyển (ảnh: Trọng Vũ)

Như đã nói, bài tủ của đội tuyển Việt Nam lặp đi lặp lại khi đụng độ hết đối thủ này đến đối thủ khác, từ năm nọ qua năm kia, đồng thời gần như 2 năm nay đội tuyển quần vợt nam Việt Nam chỉ sử dụng 1 cách bố trí đội hình tại Davis Cup, nên dường như cả châu Á đã biết lối chơi, biết cách sắp xếp nhân sự của HLV Trương Quốc Bảo.

Cách khống chế Hoàng Thiên nói riêng và đội tuyển Việt Nam nói chung thật ra khá đơn giản, cắt cử tay vợt mạnh nhất ra đánh với Hoàng Thiên trong trận đầu, phá sức Hoàng Thiên ngay từ đầu, sẽ dẫn đến việc Thiên mất dần uy lực ở các trận sau.

Giả sử, một Hoàng Thiên nhận được sự tính toán hợp lý từ các chuyên gia của đội tuyển, một Hoàng Thiên được chuẩn bị tốt về mặt thể lực, thì ngay đến Karan Rastogi cũng không dễ gì thắng anh trong trận cuối.

Rastogi hiện đã không còn ở vào giai đoạn sung sức nhất vẫn khiến Hoàng Thiên gần như chỉ biết... đứng nhìn các pha đánh bóng về 2 đầu sân của mình, một Rastogi hiện đã chuyển sang đánh đôi vẫn dễ dàng chiến thắng tay vợt chuyên đánh đơn của Việt Nam, đủ thấy khâu điều chỉnh của dân chuyên môn ở đội tuyển kém đến mức nào.

Thành ra, để nâng tầm đội tuyển quần vợt Việt Nam, chúng ta cần chuyên gia giỏi hơn, chuyên gia ngoại càng tốt, một là để cải thiện khâu chuyên môn, khâu điều chỉnh đấu pháp, khâu điều chỉnh tâm lý cho VĐV trước và trong các trận đấu. Hai là chuyên gia ngoại nắm đội tuyển sẽ giúp đội tuyển khách quan hơn trong cách nhìn nhận năng lực của VĐV đội nhà, trong cách nhìn nhận đối thủ.

Điểm yếu của đội tuyển quần vợt Việt Nam cũng đã rõ ràng từ trận thua Hong Kong, đấy là điểm yếu về thể lực, thiếu các tay vợt chuyên đánh đôi đúng nghĩa, yếu về mặt bản lĩnh.

Chúng ta cần chuyên gia thật giỏi để cải thiện những điểm yếu ấy, tăng cường thể lực cho VĐV ngay từ bây giờ, giúp các VĐV tự tin hơn khi thi đấu, giúp các tay vợt Việt Nam thiện chiến hơn trong các trận đánh đôi.

Chứ như hiện tại, từ năm nọ đến năm kia, tại Davis Cup, chúng ta đăng ký 4 VĐV nhưng chỉ toàn sử dụng có 2 người (Hoàng Nam và Hoàng Thiên) thì quá lãng phí, quá đơn điệu.

Vả lại, người thường xuyên không được dùng ở các giải quốc tế (ở đây là Minh Tuấn và Đắc Tiến) chẳng có cơ hội tăng cường bản lĩnh, vốn đã thiếu tự tin lại càng thiếu tự tin thêm, rồi biết đến khi nào mới trưởng thành?

Tác giả bài viết: Trọng Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP