Du lịch

Quán rượu 'ngược đời' nhất thế giới

Mọi người đến quán rượu John Kavanagh (Ireland) không bao giờ hát hò, nhảy nhót hay nói to, mà chỉ lặng lẽ nhấm nháp những thức uống và trầm ngâm nghĩ về những cuộc sinh ly tử biệt.

Khi một nhiếp ảnh gia đang định giơ máy lên và chụp ảnh mọi người ngồi uống trong quán John Kavanagh, quản lý Anne Kavanagh đã vội vàng chạy ra ngăn cản: "Ôi không, xin đừng chụp ảnh người dân ở đây, họ không thích như vậy đâu", phóng viên Valentina Valentini kể lại trên BBC.

Kavanagh còn được biết đến với tên gọi Gravediggers (Quán những phu đào huyệt). Quán có tên gọi như vậy bởi nó nằm cạnh nghĩa trang Glasnevin. Những phu đào huyệt thường tới quán uống vài cốc sau một đêm dài đào mộ hay chôn cất người dân.


Các thế hệ nhà Kavanagh đã sinh sống ở đây và cùng nhau điều hành quán. Ngày nay, quán được quản lý bởi 4 anh chị em thuộc thế hệ thứ 7 nhà Kavanagh: Anne, Ciaran, Anthony và Niall cùng mẹ của họ, bà Kathleen. Ảnh: BBC.

"Thật là một quán rượu ngược đời" là câu nói mà rất nhiều du khách đã bình luận khi nhắc tới John Kavanagh - quán rượu lâu năm và đã quá quen thuộc với người dân ở phía bắc Dublin, Ireland.

Nơi này nổi tiếng vì những yêu cầu lạ lùng so với các quán rượu khác: mọi người không được phép ca hát, nhảy múa, gây ồn ào. Quán cũng không có điện thoại hay tivi. Đó là bởi John Kavanagh thường tiếp đón thực khách là gia quyến và bạn bè của người đã chết và được chôn tại nghĩa trang ngay cạnh. Ông chủ muốn không khí ở quán luôn yên tĩnh, như thể hiện sự đồng cảm với nỗi đau của những người vừa mất đi ông bà, cha mẹ...


Quán nằm ngay cạnh nghĩa trang. Ảnh: BBC.

"Cách đây 3 năm, Lonely Planet đã xếp chúng tôi vào danh sách 50 kho báu vẫn còn ẩn giấu ở châu Âu. Đó là điều rất có nghĩa ý với chúng tôi, và mọi người cũng tò mò tới đây để tìm hiểu".

Quán bar cũng thu hút được sự quan tâm của đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain và đây không phải người nổi tiếng duy nhất từng đến quán.

Năm 1984, ca sĩ chính của ban nhạc The Dubliners, Luke Kelly chết. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Glasnevin với tang lễ khá hoành tráng. Người đưa tang còn có cả thành viên các ban nhạc nổi tiếng khác là U2, The Chieftains. Các ca sĩ bắt đầu chơi nhạc. "Khi đó, cha tôi, Eugene Kavanagh đã đi ra và yêu cầu họ cất nhạc cụ đi và ngừng hát. Quán chúng tôi không cho phép điều đó. Đây là quy tắc của quán chúng tôi", Ciaran khi đó mới 14 tuổi, là nhân viên trẻ nhất của quán và đang rửa cốc nhớ lại.

Quán thành lập vào năm 1833, nơi kinh doanh của 8 thế hệ trong một gia đình, là món quà cưới mà bố vợ O'Neill tặng cho Kavanagh khi cưới con gái Suzanne.

Quán rượu sau đó phát triển mạnh mẽ, đông đúc người qua lại. Những người sau khi đưa tang vào lúc chiều tối muộn thường ghé vào quán, làm vài ba ly rượu để vơi đi nỗi buồn.

Sau đó, ban quản lý nghĩa trang đã đưa ra quy chế mới. Việc chôn cất chỉ được diễn ra vào buổi sáng, trước 12h trưa (bây giờ là 3h chiều). Việc mai táng diễn ra nhanh chóng và quán rượu cũng thưa hẳn khách do không ai muốn uống rượu vào buổi sáng. Một phần do nghĩa trang sau đó đóng hẳn cổng phía tây. Đây cũng là nơi quán rượu được xây lên. Đến năm 1870, quán dần vắng khách.

Joseph, con trai của John Kavanagh, với mong muốn giữ lại nghiệp kinh doanh của cha mình đã làm mọi cách để quán đông trở lại. Ông cũng phát tờ rơi giới thiệu về quán ở phía cổng mới của nghĩa trang. Nhờ đó, số lượng khách tới đây lại đông trở lại. Ngày nay, quán rượu còn bán cả đồ ăn buổi trưa để phục vụ nhiều người. Nó là nhân chứng sống cho những huyền thoại, câu chuyện ma quái do người dân đồn thổi, các câu chuyện về tình bạn, tình yêu và xung đột gia đình.

Tác giả bài viết: Anh Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP