Taylor Weyeneth, Phó Chánh văn phòng Cơ quan kiểm soát chính sách ma túy quốc gia Mỹ chụp ảnh cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Taylor Weyeneth/Linkedin) |
Theo Washington Post, đường thăng tiến của Taylor Weyeneth bắt đầu năm 2016 khi anh được nhận vào làm việc tại văn phòng tổng thống, một năm sau khi tốt nghiệp đại học Đại học St John (New York). Theo trang mạng xã hội Linkedin của Weyeneth, kinh nghiệm làm việc duy nhất trước đó của anh là trợ lý trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump.
Theo một nguồn thạo tin từ Nhà Trắng, ban đầu Weyeneth được tuyển vào làm vị trí hành chính, và chuyên thực hiện các nhiệm vụ thông tin liên lạc giữa Cơ quan kiểm soát chính sách ma túy quốc gia (ONDCP) với bên ngoài. Lý do anh được cơ quan này tuyển mộ là lòng đam mê và tinh thần cam kết liên quan tới vấn đề ma túy và nghiện thuốc giảm đau opioid.
Sau hơn 1 năm làm việc, Weyeneth đã thăng tiến nhanh chóng lên chức Phó Chánh văn phòng tại ONDCP. Hiện anh còn được cho là đang đảm nhiệm một số nhiệm vụ tương đương với quyền chánh văn phòng của ONDCP.
Theo Washington Post, lý do Weyneth được bổ nhiệm nhanh chóng được cho là ONDCP luôn trong tình trạng thiếu nhân sự chủ chốt trong 1 năm qua. Phát ngôn viên William Eason cho hay, ít nhất 7 người được bổ nhiệm đã nghỉ việc, trong đó có vị trí tư vấn trưởng và chánh văn phòng.
Anh Taylor Weyeneth. (Ảnh: Taylor Weyeneth/Linkedin) |
Washington Post trích biên bản ghi nhớ nội bộ ngày 3/1 của ông Richard Baum, quyền giám đốc ONDCP, cho biết cơ quan này đang bị khuyết nhân sự tại một số vị trí quan trọng. Chính vì vậy, ông Baum cùng với Weyeneth sẽ tạm thời san sẻ trách nhiệm liên quan tới vị trí chánh văn phòng của ONDCP.
Hiện tại, Weyeneth đang phụ trách chính công việc hỗ trợ chính phủ Mỹ xử lý cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opioid. Đây là công việc thường dành cho những ứng viên có dày dặn kinh nghiệm về hoạch định chính sách hay những luật sư có tuổi nghề nhất định.
Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, Weyeneth hiện đang tham gia khóa học thạc sĩ chuyên ngành khoa học chính trị, chuyên về quản trị chiến dịch và bầu cử tại trường đại học Fordham (New York).
Hồi tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Trump đã tuyên bố cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện (nhóm opioid) là tình trạng khẩn cấp quốc gia. Theo NYT, thuốc giảm đau theo đơn và chất gây nghiện góp phần dẫn đến 60.000 trường hợp tử vong do dùng quá liều ở Mỹ trong năm 2016, tăng 19% so với năm trước đó. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết từ năm 1999, số lượng người Mỹ tử vong vì lạm dụng thuốc nhóm opioid đã tăng 4 lần. Trong giai đoạn 2000-2015, hơn 500.000 người tử vong vì dùng thuốc quá liều, trong đó phần lớn liên quan đến thuốc nhóm opioid.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí