Số hóa

Pokemon Go thúc đẩy sự phát triển của smartphone

Pokemon Go và sự kiện SoftBank mua lại ARM đang là chủ đề bàn tán nhiều nhất trong giới công nghệ hiện nay. Đằng sau hai câu chuyện này lại cho thấy sức ảnh hưởng của trò chơi mới.

Theo một số báo cáo từ Bloomberg, số lượng chip di động sử dụng thiết kế của ARM đã đạt con số 15 tỷ tính đến hết năm 2015. Điều này cho thấy hầu hết smartphone trên trị trường đều sử dụng chip của ARM, chính xác là 85% thị phần chip di động.

Dù cho ARM không thực sự tự sản xuất chip, nhưng cũng giống như Qualcomm, việc bán lại bản quyền thiết kế cho các nhà sản xuất cũng đem lại doanh thu vô cùng lớn cho hãng này.

Đối mặt với giai đoạn khó khăn của thị trường smartphone hiện nay, ngay cả các hãng lớn như Apple cũng mắc phải nhiều vấn đề. Việc kinh doanh chip của ARM cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Hành động mua lại ARM với mức giá 32 tỷ USD lần này của SoftBank đã gây choáng váng cho giới công nghệ. Mức giá này cao hơn cả phi vụ 20 tỷ USD mà SoftBank sử dụng để thâu tóm mạng di động Sprint năm 2013.

SoftBank mua lại ARM với mức giá khổng lồ 32 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg.


CEO Masayoshi Son của Softbank là người có tính cách táo bạo, liều lĩnh. Ông này thường được biết đến bằng các cuộc đầu tư mạo hiểm và bất ngờ. Nhưng người ta vẫn thắc mắc tại sao Son lại dám đưa tập đoàn công nghệ viễn thông Softbank vào canh bạc trị giá 32 tỷ USD này?

Pokemon Go có thể chính là đáp án.

Tựa game di động đang nóng nhất hiện nay là câu trả lời thỏa đáng nhất có thể tin tưởng được.

Chúng ta cần phải thừa nhận rằng smartphone đang dần trở nên nhàm chán. Kể từ khi iPhone ra mắt năm 2007, người ta đã được chiêm ngưỡng giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ nhất của điện thoại thông minh. Tất cả được tích hợp bên trong một thiết bị cầm tay: nghe nhạc, chơi game, duyệt web, soạn thảo văn bản…

Nhưng mọi thứ đang dần bị bão hòa. Với những cuộc chạy đua về thông số, cấu hình, smartphone hiện nay không còn đột phá khiến người ta một lần nữa phải trầm trồ về nó.

Cho đến khi Pokemon Go ra mắt hồi tháng 6.

Cảm giác như nó đã đưa chúng ta về thời kỳ huy hoàng của smartphone. Làm thế nào mà một chiếc điện thoại thông minh có thể đem lại cảm xúc đặc biệt như thế? Công nghệ tương tác ảo AR chính là điểm nhấn làm nên sự khác biệt.

Công nghệ tương tác ảo AR đang là điểm nhấn của thị trường smartphone hiện nay. Ảnh: Polygon.


Thế giới đã nói quá nhiều về các công nghệ thực tế ảo VR, Oculus Rift đến những thiết bị đắt tiền như Hololens của Microsoft. Nhưng thứ làm người ta phát cuồng hiện nay lại chính là tương tác ảo AR trên những chiếc smartphone bình thường.

Amir Anvarzadeh từ BGC Partners cho rằng: “Công nghệ tương tác ảo AR thực sự bùng nổ sau thành công của Pokemon Go. Mà ARM lại có một vị trí rất tốt trong xu hướng này hiện nay”.

Sản phẩm của ARM chính là nền tảng giúp cho những con chip di động hoạt động tốt trong điều kiện công nghệ mới. Vì thế, các nhà sản xuất chip di động và smartphone muốn các thiết bị của mình hỗ trợ tốt hơn công nghệ thực tế tăng cường AR trong tương lai, họ sẽ lại phải nhờ đến hãng thiết kế chip ARM.

Đây chính là điềm lành cho sự tăng trưởng trở lại của smartphone. Dù đang chật vật với số nợ hơn 100 tỷ USD, và vẫn phải tiếp tục đi vay để hoàn tất thương vụ mua lại ARM, Softbank nói chung lẫn CEO Masayoshi Son nói riêng hoàn toàn có lý khi đưa ra quyết định vô cùng mạo hiểm này.

Một số nhà đầu tư vẫn e dè với sự thành công của Softbank khi giá trị cổ phiếu của tập đoàn này đã giảm 10%. Tuy vậy, Masayoshi Son vẫn lạc quan tuyên bố: “Tôi tin mình đã tìm ra hướng đi mới cho Softbank. Tất cả sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn sau 10 năm nữa”.

Tác giả bài viết: Đại Việt

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP