Kinh tế

PNC bán vốn tại chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam

Do thiếu tiền trả nợ, PNC buộc phải bán 12,5% vốn điều lệ của 'con gà đẻ trứng vàng' CGV Việt Nam.

Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (mã chứng khoán: PNC) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông về việc chuyển nhượng 12,5% vốn điều lệ Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam với giá 160 tỷ đồng.

Thương vụ này dự kiến hoàn thành trước ngày 5/7 tới đây. Nếu giao dịch thành công, PNC sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp sở hữu 47% thị phần chiếu phim cả nước xuống còn 7,5%.

Công ty cổ phần Kim Cương Đen - đối tác nhận chuyển nhượng mới thành lập vào cuối tháng 4/2018 với vốn điều lệ ban đầu 120 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản.

Quyết định bán vốn được đưa ra tương đối bất ngờ, bởi ban lãnh đạo công ty từng khẳng định tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 3, CGV Việt Nam vẫn là “phao cứu sinh” mang về lợi nhuận hàng chục tỷ mỗi năm nên chưa có ý định giảm tỷ lệ sở hữu. Cụ thể trong hai năm liền kề trước đó, doanh nghiệp này đóng góp lần lượt hơn 18 tỷ đồng và 21 tỷ đồng lợi nhuận.

Cụm rạp CGV Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Chủ tịch HĐQT, ông Đặng Bá Tùng cho biết, tình hình tài chính của PNC đang hết sức căng thẳng do kinh doanh khó khăn tích lũy trong nhiều năm. Tổng nợ phải trả nhà cung cấp tại ngày 18/5 lên đến 321 tỷ đồng. Khoản nợ Công ty Cross Junction Investment Pte Ltd. (CJI) được thế bằng toàn bộ phần vốn góp của PNC vào CGV Việt Nam gồm 7 triệu USD nợ gốc và 18,5 tỷ đồng nợ lãi đến hạn thanh toán vào cuối tháng 6 cũng không được gia hạn.

“Ban điều hành công ty đã cân nhắc, tìm kiếm nhiều giải pháp để giải quyết khả năng thanh toán nhưng không đạt kết quả”, ông Tùng nhấn mạnh. Doanh nghiệp này đề xuất tăng vốn từ 110 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng nhưng không được chấp thuận; phương án vay ngân hàng bất khả thi do vừa không có tài sản đảm bảo vừa ràng buộc về việc không được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng với CJI.

Người đứng đầu PNC cho rằng, công ty đang đối mặt với nhiều rủi ro khi vấn đề tài chính không được giải quyết kịp thời. Ông Tùng nêu ví dụ, nếu không thanh toán được nợ nhà cung cấp, công ty sẽ không đủ nguồn hàng kinh doanh nên dẫn đến tăng lỗ, thiếu hụt dòng tiền và cổ phiếu đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.

Tác giả: Phương Đông

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP