Một cuộc khảo sát mới đây do hãng bảo mật Kaspersky Lab, Trường Đại học Würzburg và Trường Đại học Nottingham-Trent thực hiện, cho thấy, khi được bố trí ở trong phòng chờ một mình, những người tham gia khảo sát chỉ có thể chờ trung bình 44 giây trước khi chạm vào smartphone. Đàn ông thậm chí không đợi được phân nửa lượng thời gian nói trên mà trung bình chỉ 21 giây, trong khi ở phụ nữ là 57 giây.
Nghiên cứu còn phát hiện ra một vấn đề khác, đó là dường như không có mối liên quan rõ ràng giữa ý nghĩ và hành động của con người. Cụ thể, sau 10 phút ngồi trong phòng chờ, người tham gia nghiên cứu sẽ được hỏi về thời gian chờ trước khi họ đụng tới chiếc điện thoại, và phần lớn đều trả lời khoảng 2 đến 3 phút trong khi thực tế là chưa tới 1 phút như trên.
Trong suốt 10 phút chờ đợi, trung bình người tham gia sử dụng điện thoại gần nửa thời gian (5 phút). Các kết quả trên có thể không đúng với mọi người dùng smartphone, nhưng nó đã phản ánh phần nào sự tác động của smartphone đối với ý thức và hành động của con người hiện nay.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra sự chi phối của smartphone đối với ý thức và hành động của con người.
Jens Binder, đại diện nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Nottingham Trent cho biết: “Cuộc nghiên cứu nói lên rằng, con người lệ thuộc vào những thiết bị này nhiều hơn họ nghĩ, và đã tạo nên thế giới thứ hai khi chỉ có điện thoại và họ”.
“Người tham gia sử dụng điện thoại càng nhiều thì họ càng sợ mình đang bỏ lỡ nhiều thông tin khi không kết nối. Thật khó để nói rằng người ta sử dụng điện thoại nhiều vì sợ bỏ lỡ gì đó, hay chiều ngược lại là vì sử dụng điện thoại quá nhiều nên lo lắng bị bỏ lỡ nhiều thứ”, Astrid Carolus, đại diện Trường Đại học Würzburg nói thêm.
Nghiên cứu cũng cho thấy, chúng ta sử dụng điện thoại càng nhiều thì càng dễ bị stress. Nhưng thật ngạc nhiên khi người tham gia được hỏi về hạnh phúc nói chung thì sự khác biệt giữa người sử dụng điện thoại ít hay nhiều dường như không có. "Vì vậy, stress do sử dụng smartphone gây ra nhìn chung có vẻ không ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc quanh ta", Kaspersky Lab nhận định.
Trong một nghiên cứu trước đây do Kaspersky Lab thực hiện, con người phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị di động như một phần mở rộng của não bộ, sử dụng chúng như những công cụ để chúng ta không phải ghi nhớ nhiều sự việc nữa. Phần lớn người tham gia không thể nhớ số điện thoại hiện tại của bạn bè nhưng vẫn có thể gọi đến số điện thoại nhà mà lúc đó họ chỉ mới 10 tuổi.
David Emm, nhà nghiên cứu bảo mật cấp cao tại Kaspersky Lab, cho biết: “Smartphone là một phần trong cuộc sống hiện tại của chúng ta nhưng chúng ta cần nhớ rằng, chúng chỉ là tiện nghi mà con người cho là điều hiển nhiên. Lúc nào cũng kè chúng bên người sẽ khiến chúng ta quên đi giá trị thực sự của chúng”.
Trong vòng 2 năm, Kaspersky Lab đã nghiên cứu hiệu ứng xã hội của việc số hóa và cách nó khiến con người trở nên dễ bị tổn hại hơn trước tội phạm mạng. Khi con người quá lệ thuộc và trao niềm tin quá lớn vào chiếc smartphone, có thể một ngày không xa họ sẽ phải trả giá đắt vì đã đánh mất những giá trị của cuộc sống thực hay thậm bị rò rỉ thông tin cá nhân,...
Tác giả bài viết: Ngọc Phạm
Nguồn tin: