Trong nước

Phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ không được luân chuyển lãnh đạo

Công chức, viên chức Bộ Tư pháp đang trong thời gian xem xét kỷ luật, thi hành kỷ luật hoặc đang trong giai đoạn bị điều tra, khởi tố, uy tín bị giảm sút, không đảm bảo sức khỏe hoặc đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng sẽ không được luân chuyển lãnh đạo, quản lý dù nằm trong quy hoạch.

Trụ sở Bộ Tư pháp
Bộ Tư pháp vừa công bố dự thảo Quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển công chức, viên chức của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi.

Theo dự thảo, tuổi bổ nhiệm lãnh đạo lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ. Trường hợp đặc biệt, thực sự cần thiết và đơn vị chưa có phương án nhân sự khác thích hợp thì cũng phải bảo đảm tuổi công tác còn ít nhất 2/3 nhiệm kỳ (tròn 40 tháng) nhưng phải báo cáo xin ý kiến Ban cán sự đảng, Bộ trưởng.

Công chức, viên chức đã thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sau một thời gian công tác, nếu được xem xét để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì điều kiện về tuổi được thực hiện như quy định tuổi bổ nhiệm lần đầu.

Tuổi được tính theo Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực); nếu không có Giấy khai sinh thì theo Lý lịch gốc khai khi được tuyển dụng vào cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, lực lượng vũ trang (có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền). Đối với đảng viên, trường hợp tuổi ghi trong Lý lịch cán bộ hoặc các giấy tờ liên quan khác kèm theo Hồ sơ cán bộ không trùng khớp với Hồ sơ lý lịch đảng viên gốc, thì tuổi tính theo Hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng.

Người được bổ nhiệm phải không đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên; không trong thời gian đang bị xem xét kỷ luật, điều tra, truy tố hoặc xét xử.

Người bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất 1 năm, kể từ khi có quyết định kỷ luật. Người bị kỷ luật cách chức thì không được bổ nhiệm vào chức vụ tương đương và cao hơn trong thời gian ít nhất 1 năm, kể từ khi có quyết định kỷ luật.

Trong tờ trình, văn bản đề nghị bổ nhiệm cần nêu rõ về nhân sự có trong quy hoạch chức danh bổ nhiệm hay không; nếu không thì phải giải trình rõ lý do.

Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực. Đối với trường hợp thay đổi chức danh lãnh đạo, quản lý do thay đổi tên gọi tổ chức nhưng không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ thì thời điểm bổ nhiệm lại được tính từ ngày quyết định bổ nhiệm theo chức vụ cũ có hiệu lực.

Đối với Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Giám đốc Học viện Tư pháp, Hiệu trưởng các trường trung cấp luật thuộc Bộ Tư pháp, được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại theo nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ là 5 năm và không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Đối tượng luân chuyển

Theo dự thảo, công chức, viên chức luân chuyển phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Là công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được quy hoạch ở vị trí lãnh đạo cao hơn; có tuổi đời dưới 45 tuổi, đối với nam giới, có thể cao hơn nhưng tối đa không quá 50 tuổi; có triển vọng phát triển; công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch cấp Trưởng đã giữ chức vụ cấp Phó 1 nhiệm kỳ thì xem xét luân chuyển, bồi dưỡng kinh nghiệm quản lý ở ít nhất 2 lĩnh vực công tác của đơn vị hoặc kinh nghiệm thực tiễn ở các cơ quan, đơn vị khác; công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ thì xem xét luân chuyển.

Dự thảo nhấn mạnh, không thực hiện luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch trong các trường hợp sau: Công chức, viên chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật, thi hành kỷ luật hoặc đang trong giai đoạn bị điều tra, khởi tố; công chức, viên chức uy tín bị giảm sút; không đảm bảo sức khỏe để thực hiện luân chuyển; công chức, viên chức nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng. Công chức nam phải nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi (do vợ mất hoặc trường hợp khách quan khác) thì cũng được áp dụng như công chức nữ quy định tại điểm này.

Thời gian luân chuyển là từ 3 đến 5 năm. Chỉ xem xét điều động, bố trí công tác mới đối với cán bộ đã có thời gian luân chuyển từ đủ 3 năm trở lên, trừ trường hợp đặc biệt có thể ngắn hơn đối với nơi cần bố trí nhân sự thay thế người đứng đầu mà ở đó không có nguồn nhân sự thay thế.

Phạm vi luân chuyển là trong nội bộ đơn vị thuộc Bộ và giữa các đơn vị thuộc Bộ hoặc luân chuyển từ đơn vị thuộc Bộ sang hệ thống thi hành án dân sự hoặc sang các Bộ, ngành khác hoặc địa phương.

Tác giả bài viết: Kha Xuân Lộc

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP