Cuộc sống

Phụ nữ béo phì càng lâu, nguy cơ ung thư càng cao

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS đã theo dõi gần 74.000 phụ nữ sau mãn kinh và thấy rằng cứ mỗi 10 năm bị thừa cân, nguy cơ ung thư liên quan đến béo phì ở phụ nữ có thể tăng đến 7%.


Đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét mối liên quan giữa thời gian béo phì và nguy cơ ung thư ở một nhóm phụ nữ lớn.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ một nghiên cứu lớn có tên Sáng kiến Sức khỏe Phụ nữ Mỹ (WHI), để tìm ra mỗi liên quan đáp ứng - liều hoặc đáp ứng-phơi nhiễm giữa thời gian có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao và nguy cơ của nhiều loại ung thư khác nhau.

BMI - được sử dụng bởi các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xác định giới hạn cân nặng bình thường theo chiều cao của một người - được tính bằng cách chia trọng lượng theo kg cho bình phương chiều cao tính bằng mét.

Số liệu của WHI trải dài hơn 12 năm và trong thời gian đó, có 6.301 người trong số 73.913 phụ nữ tham gia có chẩn đoán ung thư liên quan đến béo phì – gồm ung thư vú, đại tràng và trực tràng, và nội mạc tử cung.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Melina Arnold, một nhà khoa học tại Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO, đã tính đến các yếu tố khác liên quan đến béo phì, như hoạt động thể chất, chế độ ăn, hút thuốc lá, sử dụng hoóc môn và bệnh tiểu đường.

Kết quả cho thấy cứ mười năm thừa cân sẽ liên quan đến tăng 7% nguy cơ của tất cả các ung thư liên quan đến béo phì, tăng 5% nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh, và nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung tăng 17%. Sau khi hiệu chỉnh chính xác số cân thừa, con số tăng lên 8% đối với ung thư vú sau mãn kinh và 37% đối với ung thư nội mạc tử cung.

"Đây là điều hợp lý về mặt sinh học, vì thời gian thừa cân và béo phì sớm hơn và dài hơn đã được thấy là có liên quan với tăng nguy cơ và mức độ nặng của cao huyết áp, kháng insulin, viêm mạn tính, tổn thương ADN và những thay đổi trong chuyển hóa hoóc môn, tất cả đều là những cơ chế quan trọng cũng làm tăng nguy cơ ung thư".

"Chúng tôi cũng đã chỉ ra trong nghiên cứu rằng nguy cơ phát triển những ung thư này không chỉ phụ thuộc vào thời gian thừa cân mà còn vào mức độ thừa cân theo thời gian," Arnold nói thêm. "Đây là lý do tại sao rất khó đưa ra kết luận chung về nguy cơ ung thư tăng bao nhiêu với mỗi năm thừa cân hoặc béo phì".

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng chỉ số BMI không phải là số đo hoàn hảo cho lượng mỡ cơ thể và các dữ liệu WHI chủ yếu bao gồm thông tin về phụ nữ da trắng không phải gốc Mỹ La tinh và điều này có thể "giới hạn việc khái quát hóa kết quả".

" Nếu điều này là đúng thì các chuyên gia cần thừa nhận tiềm năng của việc quản lý béo phì trong phòng chống ung thư và rằng cần quản lý tình trạng thừa cân ở phụ nữ bất kể độ tuổi của bệnh nhân ", các tác giả nghiên cứu kết luận.

Tác giả bài viết: Cẩm Tú

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP