Báo cáo Trung ương, Thành ủy và HĐND TP HCM về tình hình phòng chống tham nhũng, UBND TP HCM cho biết từ đầu năm đến nay chuyển đổi vị trí công tác 212 cán bộ, công chức, viên chức. Những người này công tác trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, tài chính - kế toán, thủ quỹ, thanh tra chuyên ngành.
Thành phố không phát hiện trường hợp tham nhũng nào, ngoài nghi vấn bà Bùi Thị Thanh Trang chiếm dụng gần một tỷ đồng của Trung tâm giám định Y khoa thành phố. Vụ việc đã chuyển cho cơ quan điều tra.
"Chưa phát hiện trường hợp tặng quà, nhận quà và nộp lại quà; thành phố cũng chưa xử lý trách nhiệm người đứng đầu vì để xảy ra tham nhũng", báo cáo nêu. Đồng thời, kiểm tra hơn 200 đơn vị về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức "thành phố chưa phát hiện vi phạm".
Người dân đến làm thủ tục nhà đất tại quận 1 - nơi đi đầu về cải cách hành chính. Ảnh: Tuyết Nguyễn. |
Hồi đầu năm, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM ban hành kế hoạch rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội (từ 2016 đến 2017) để đánh giá tình hình sai phạm, có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng.
UBND thành phố cũng chỉ đạo tập trung giám sát các cơ quan trong lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm như: sử dụng và quản lý nguồn vốn ODA; công tác đấu thầu, đầu tư các dự án; các hoạt động liên quan lĩnh vực nhà đất.
Thanh tra thành phố được yêu cầu lập kế hoạch thanh tra việc sử dụng ngân sách trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước; đi công tác nước ngoài; đấu thầu mua sắm tài sản...
Làm việc với 63 đơn vị trong 9 tháng qua, thanh tra không phát hiện tham nhũng, song được cho là "đã giúp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh, khắc phục thiếu sót".
Tuy nhiên, TP HCM cũng nhìn nhận việc tự kiểm tra, giám sát phòng chống tham nhũng ở nhiều nơi chưa thường xuyên; một số cán bộ còn bị người dân, doanh nghiệp khiếu nại.
Thành phố yêu cầu các cơ quan, tổ chức nâng cao cải cách hành chính; loại bỏ các cơ chế, chính sách không còn phù hợp, dễ phát sinh tiêu cực...
Tác giả: Tuyết Nguyễn
Nguồn tin: Báo VnExpress